Tăng trưởng GDP 2022 dự báo lạc quan
Trao đổi với PV Lao Động trưa ngày 5.12.2021, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) - nhận định: Tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt mức 8%, vượt chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.
Lý giải nguyên nhân vì sao kỳ vọng tăng trưởng ở con số lạc quan này, TS Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh: “Với tình hình phục hồi như hiện nay, thì GDP quý I/2022 có thể tăng trưởng khoảng 6%, còn cả năm 2022 có thể đạt hơn 8% nhờ một số ngành trong năm 2022 sẽ phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là các ngành dịch vụ như: Du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn... Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP năm 2022 chỉ phải so với nền tăng trưởng thấp của năm 2021".
TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, dự báo mức tăng trưởng GDP 6-6,5% mà Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra là "khá thận trọng”. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, đà tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ bứt phá bởi Việt Nam đã thay đổi chiến lược trong phòng, chống COVID-19. Đặc biệt, năm 2022 việc áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP sẽ đi vào cuộc sống xã hội một cách nhuần nhuyễn và sát thực tế hơn, tiếp tục cởi trói tinh thần cho doanh nghiệp (DN).
Theo đó, trong năm 2022, tình trạng “cát cứ”, “chống dịch quá đà” tại một số địa phương làm “đóng băng” hoạt động kinh tế xã hội hoàn toàn được xóa bỏ, thay vào đó là giải pháp linh hoạt, thức ứng, an toàn với dịch bệnh hỗ trợ cộng đồng DN sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng lạc quan dự báo, tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức từ 7-7,5% nhờ "sức bật" của nhiều nhóm ngành đã kìm nén khá lâu.
Mặc dù tương đối thận trọng, nhưng TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng nhận định, với chiến lược chống dịch thay đổi phù hợp, tiến trình “phủ” vaccine mạnh mẽ, triển vọng phục hồi kinh tế năm 2022 được dự báo có thể phục hồi ấn tượng, đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5-7%.
Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. Là địa phương phải chịu tổn thất nặng nề nhất ở "làn sóng" thứ tư dịch COVID-19, TPHCM đã thống nhất các mục tiêu tổng quát và 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu cùng với 7 nhóm giải pháp và 21 nhiệm vụ cụ thể, trong đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6% - 6,5%.
Với vai trò là “đầu tàu” của cả nước, TP.Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 7-7,5%. Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu trong năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%; thu ngân sách nhà nước 52,6 nghìn tỉ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%; thu hút FDI đạt 1,5 tỉ USD. TP.Đà Nẵng cũng xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng; ở kịch bản tốt nhất tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 7,01% so với năm 2021. Trong đó, các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 3,01%, 8,40% và 6,63%...
Mới đây, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Chính phủ xác định 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4% và bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%. Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhóm kinh tế nào là động lực tăng trưởng chính?
Theo ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia - NCIF (Bộ KHĐT), các ngành "dẫn đường" kinh tế năm 2022 được phân thành 5 nhóm ngành cụ thể: Thứ nhất là nhóm vật liệu, xây dựng. Ông Quang cho rằng, trong cả nước tập trung đẩy mạnh thực hiện đầu tư công sẽ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo phát triển kỹ thuật số, do đó, nhu cầu về vật liệu xây dựng sẽ có xu hướng phát triển. Thứ hai là nhóm ngành có tỉ trọng xuất khẩu lớn như điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, caosu, sắt thép, lương thực... do nhu cầu tiêu dùng của thế giới tăng, nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại sẽ là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu (XK).
Thứ 3 là nhóm ngành đồ uống, bán lẻ, hàng không... sẽ phục hồi do nhu cầu trong nước tăng. Thứ 4 là nhóm thương mại điện tử và logistics, do người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, đẩy mạnh mua sắm trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh.
Các chuyên gia cũng chung nhận định: Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng XK chung của cả nước khi chiếm tỉ trọng 86,1% tổng kim ngạch XK của cả nước, gồm: Sắt thép các loại; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác; gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt và may mặc, giày dép các loại.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: Trong năm 2022, ngành chế biến chế tạo tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng. Các nhóm hàng điện thoại và linh kiện; máy tính, linh kiện và sản phẩm điện tử; máy móc, phụ tùng; dệt may; da giày; gỗ và sản phẩm từ gỗ; sắt thép… tiếp tục đóng vai trò chủ lực để XK của Việt Nam lập kỷ lục mới.
Để tận dụng cơ hội này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam cần tập trung các sản phẩm, hàng hóa chủ chốt đang có lợi thế XK, nhất là các mặt hàng công nghệ cao như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác.
“Trong năm 2022, Bộ Công Thương đang và tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mà bộ đã chú trọng trong thời gian qua để hỗ trợ doanh nghiệp, nhờ vào các Hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh XK”- ông Hải thông tin.
Chính phủ đề ra mục tiêu thời kỳ 2021-2025 tăng bình quân 6,5-7%/năm, để đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
* Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm 2022, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19. Trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2022.
* TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê): Áp lực lạm phát của năm 2022 đối với kinh tế nước ta cũng đang hiện hữu, bởi giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới tăng cao; giá dầu thô còn tiếp tục tăng trong những năm tới do nhu cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua. Thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu khi nhu cầu ngày một tăng là một chỉ báo về giá dầu cao kéo dài trong ít nhất 1 năm tới.
Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỉ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ và kích cầu đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp cũng tạo ra sức ép rất lớn lên lạm phát trong năm 2022.
* TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh: Các thị trường mạnh về đầu tư, lớn về thị trường là các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam từ Châu Á, Châu Âu, Bắc Mỹ đều cho thấy dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, do sự phục hồi không đồng đều nên những rủi ro xảy ra như sự thu hẹp hoặc dừng lại của các gói hỗ trợ khiến quá trình phục hồi khó khăn hơn.
Bên cạnh đó là rủi ro tài chính như sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán, bất động sản và rủi ro nợ của thế giới lớn gia tăng… Vũ Long