Đến 2030, Hà Nội muốn cấm xe máy, thu thêm phí môi trường ôtô: Triển khai thế nào?

Khánh Hoà |

Không còn đưa ra phương án cấm xe ngoại tỉnh hay tăng phí trước bạ cho ôtô như trước đây nhưng Hà Nội đang đề xuất tới năm 2030, sẽ cấm xe máy hoạt động trên địa bàn các quận nội thành, xử lý xe quá niên hạn và phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành thông qua đăng kiểm đối với ôtô. Những đề xuất này một lần nữa lại làm nóng dư luận và tạo ra những ý kiến khác nhau.

Đề xuất thu hồi loại bỏ xe máy “hết đát”, tăng nhiều loại phí ôtô

Hà Nội đang tiến hành lấy ý kiến Dự thảo nghị quyết về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030 trước khi trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp thứ 4, khóa XV diễn ra vào đầu tháng 7.2017. Dự thảo đề cập khá chi tiết tới lộ trình hạn chế xe máy, ôtô tại Hà Nội và có nhiều điểm khác biệt với đề án từng được Sở GTVT xây dựng năm 2016. Đáng chú ý, dự thảo khẳng định “đối với xe ôtô không áp dụng biện pháp hành chính để hạn chế về số lượng phát triển” mà chỉ hạn chế xe taxi, xe hợp đồng đến 9 chỗ thông qua việc cấp quota và đấu giá số lượng taxi thay thế hằng năm.

Hà Nội đề xuất rà soát, thu hồi và loại bỏ đối với các phương tiện tự hoán cải, cũ nát, quá niên hạn sử dụng khi tham gia giao thông, áp dụng niên hạn sử dụng với ôtô, điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng (theo năm sản xuất) không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để đề xuất tiến hành thu hồi xử lý.

Với quyết tâm xử lý xe quá đát, Hà Nội đưa ra lộ trình từ năm 2017-2020 sẽ thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; xác định vị trí bãi tập kết tiêu hủy xe máy khi tiến hành thu hồi phương tiện giao thông thải loại và tới năm 2030 ban hành cơ chế hỗ trợ khi thu hồi phương tiện.

Với ôtô, Hà Nội dự kiến ban hành quy định phải lắp đặt thiết bị trả phí tự động trên tất cả các ôtô, mỗi chủ phương tiện phải đăng ký tài khoản để phục vụ công tác thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố và quản lý phương tiện trên địa bàn thành phố và đề xuất mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành thông qua đăng kiểm phương tiện.

Chủ trương đúng, nhưng triển khai sẽ vướng nhiều

Đánh giá về đề xuất mới của Hà Nội, một số chuyên gia cho rằng chủ trương đưa ra không sai nhưng lộ trình triển khai và một số biện pháp còn “có vấn đề” và sẽ vướng nhiều khi tiến hành.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng, các đề xuất Hà Nội đưa ra không mới vì “thế giới họ làm rồi” và chủ trương cũng phù hợp với quy luật phát triển. Tuy nhiên, nếu cùng một lúc thực hiện nhiều giải pháp, áp dụng thu nhiều loại phí trong hoàn cảnh điều kiện thu nhập người dân chưa cao có thể sẽ gây phản ứng nhiều chiều nên “có thể làm nhưng cần có lộ trình dài hơn”. Liên quan tới việc xử lý xe máy quá đát, ông Liên nhận định là cần thiết nhưng thực hiện “không dễ” vì lượng xe trôi nổi, tự chế còn nhiều trong khi chưa có luật về việc tịch thu tiêu huỷ. Bên cạnh đó, đây là “vấn đề phức tạp” và vượt quyền của Hà Nội đồng thời ảnh hưởng tới nhiều người dân nghèo, nên cần phải làm cho người dân “thông”, ủng hộ thì mới thực hiện được.

Cùng quan điểm, một chuyên gia khác cho rằng việc thu phí đường bộ đã phải bỏ vì không thực hiện được thì nay việc điều tra, thống kê rồi loại bỏ xe quá đát cũng sẽ không đơn giản. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo về nguy cơ “phí chồng phí” khi Hà Nội đề xuất phụ thu môi trường với ôtô vì các chủ xe đã phải gánh thuế, phí môi trường trong giá xăng và Bộ Tài chính cũng đang đề xuất nới khung thuế môi trường. “Đây là vấn đề phí chồng phí, nên cần cân nhắc hết sức thấu đáo, chứ không trăm thứ phí đổ đầu phương tiện sẽ gây phản ứng” - một chuyên gia giao thông khẳng định.

Như thu phí xe máy, thu về ở đâu, huỷ không huỷ được phải có luật xử lý đúng pháp luật, luật này Quốc hội thông qua, thẩm quyền của địa phương chỉ ở phân luồng xử lý vi phạm, tịch thu thì phải có quy định pháp luật, sớm quá nhiều loại thuế phí dồn gánh nặng cho người dân,

Liên quan tới vấn đề pháp lý quanh các đề xuất của Hà Nội, một quan chức của Cục Đăng kiểm cho Báo Lao Động biết, hiện mới có quy định về niên hạn của xe tải, xe khách chứ chưa có quy định về niên hạn xe ôtô dưới 9 chỗ và xe máy. Do đó, đề xuất của Hà Nội muốn thực hiện còn phải trải qua “hành trình rất dài”.

Theo quan chức này, muốn tiêu huỷ xe máy quá niên hạn thì phải thực hiện được đề án kiểm soát khí thải. Tuy nhiên, đề án kiểm soát khí thải dù đã nhận được quyết định phê duyệt số 909 của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6.2010 nhưng vẫn đang giậm chân tại chỗ do chưa chốt được lộ trình triển khai. Năm 2016, Bộ GTVT đưa ra lộ trình kiểm soát khí thải áp dụng đầu tiên với môtô trên 175cc nhưng chưa được thông qua. Còn liên quan tới mức phụ thu môi trường cho ôtô, vị cán bộ Cục Đăng kiểm cho biết, các trạm đăng kiểm ở Hà Nội có thể thu thêm nhưng để thu được sẽ phải có sự chấp thuận của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và thậm chí là cả Chính phủ.

Lộ trình dừng hoạt động của xe máy tại Hà Nội

Từ 2017-2020: Điều tra rà soát thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng (theo năm sản xuất). Nghiên cứu, xây dựng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát số lượng xe máy hoạt động trên địa bàn thành phố; Từ 2017-2030: Thu hồi, tiêu hủy phương tiện xe máy cũ không đủ tiêu chuẩn; ban hành cơ chế hỗ trợ khi thu hồi phương tiện; Từ 2025-2029: Thí điểm dừng hoạt động của xe máy theo giờ, theo ngày tại một số tuyến trục chính, một số khu vực trung tâm của thành phố; Sau năm 2030: Dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận.
Khánh Hoà
TIN LIÊN QUAN

Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để tăng ngân sách và chống... buôn lậu

X.Q |

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5.2017 chiều 3.6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, giá xăng dầu VN hiện thấp nhất so với các nước có cùng đường biên giới, nên việc tăng thuế bảo vệ môi trường cũng là để góp phần cho việc quản lý xăng dầu và hạn chế tình trạng buôn lậu qua biên giới.

Phí bảo vệ môi trường xăng dầu: Mới “tiêu” hết 30% đã đòi tăng phí

Nguyễn Nam Phong |

“Trong cuộc họp tiếp xúc với DN tư nhân sáng 17.5, trước nhiều ý kiến của các doanh nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Năm nay sẽ là năm xem xét giảm bớt thuế và phí. Thế nhưng ý kiến đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường vào xăng dầu lên mức 8.000 đồng/lít liệu có trái với chỉ đạo của Thủ tướng?

Đề xuất sửa đổi một số thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip

Việt Dũng |

Trong dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất thay đổi một số thông tin trên mặt trước và mặt sau của thẻ căn cước.

Loạt cửa hàng ăn uống tại TPHCM phục vụ xuyên Tết

NGỌC LÊ |

TPHCM - Thời điểm này, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ tại TPHCM đã bắt đầu nghỉ bán. Tuy nhiên, một số quán cà phê, quán kinh doanh đồ ăn thức uống ở thành phố vẫn mở bán xuyên Tết để phục vụ khách du xuân.

Nghệ An: Nhất chi mai ế ẩm, chủ vườn lo âm vốn

Quỳnh Trang |

Nhất chi mai là một loài mai thuộc top “thập đại danh hoa” nổi tiếng đẹp bậc nhất. Tính đến thời điểm hiện tại (29 tết) thị trường hoa Tết ở Nghệ An loài hoa này chưa đủ cạnh tranh với các loài hoa khác nên rất ít người quan tâm.

Chuyên gia thời trang tiết lộ bí quyết phối áo dài cực đẹp mặc vào dịp Tết

Minh Hà - Linh Trang |

Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều bạn trẻ lựa chọn trang phục áo dài để chào đón năm mới. Diện áo dài phù hợp sẽ giúp các bạn trẻ trở nên tự tin và thu hút hơn.

Những góc quán ngắm pháo hoa đón giao thừa sang chảnh ở Hà Nội

Quỳnh Nga |

Cùng tìm hiểu những địa điểm xem pháo hoa đẹp ở Hà Nội để lên lịch cùng người thân, bạn bè đến vui chơi, chiêm ngưỡng những khoảnh khắc đón Tết Qúy Mão ấn tượng.

Muôn kiểu đón Tết của người trẻ

Thu Giang |

Bên cạnh những hoạt động truyền thống, với nhiều người trẻ Tết còn là dịp để nghỉ ngơi, gắn kết tình cảm gia đình, đi du lịch, khám phá những vùng đất mới...

Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để tăng ngân sách và chống... buôn lậu

X.Q |

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5.2017 chiều 3.6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, giá xăng dầu VN hiện thấp nhất so với các nước có cùng đường biên giới, nên việc tăng thuế bảo vệ môi trường cũng là để góp phần cho việc quản lý xăng dầu và hạn chế tình trạng buôn lậu qua biên giới.

Phí bảo vệ môi trường xăng dầu: Mới “tiêu” hết 30% đã đòi tăng phí

Nguyễn Nam Phong |

“Trong cuộc họp tiếp xúc với DN tư nhân sáng 17.5, trước nhiều ý kiến của các doanh nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Năm nay sẽ là năm xem xét giảm bớt thuế và phí. Thế nhưng ý kiến đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường vào xăng dầu lên mức 8.000 đồng/lít liệu có trái với chỉ đạo của Thủ tướng?