Ý tưởng làm cáp treo 1.300 tỉ đồng vượt sông Hồng: Chuyên gia đánh giá "bất khả thi"

cường ngô |

Hà Nội vừa tiếp nhận đề xuất của Tập đoàn Poma (một công ty chuyên về cáp treo của Pháp) về xây dựng tuyến cáp treo vận chuyển hành khách công cộng qua sông Hồng. Đề xuất này sau khi công bố gây ra nhiều tranh luận.

Theo đề xuất của Tập đoàn Poma, cáp treo có điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm), điểm cuối là Bến xe Gia Lâm (quận Long Biên). Toàn tuyến có tổng chiều dài 5,5km. Trong đó, khoảng 1,2km vượt sông Hồng, 4km đi trên mặt đất, vượt các tòa nhà.

Các trụ đỡ có chiều cao từ 50 - 100m. Mỗi cabin sức chứa từ 25 - 30 người và theo tính toán, trong 1 giờ tuyến cáp treo có thể vận chuyển được 7.000 lượt khách, giúp giảm tải áp lực giao thông nội đô.

Khó giảm áp lực giao thông

Nhiều chuyên gia giao thông khẳng định, ý tưởng làm cáp treo vượt sông Hồng - mục đích để giảm ùn tắc là không khả thi. Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, loại hình cáp treo chỉ phù hợp với các khu du lịch và chưa nước nào làm cáp treo để vận chuyển hành khách, giảm ùn tắc.

"Dự án cáp treo qua sông Hồng bất khả thi vì khả năng vận chuyển thấp. Tôi cho rằng, việc vận chuyển tối đa là 7.000 lượt hành khách mỗi giờ thì không thể làm giảm ùn tắc giao thông hai bên sông Hồng. Ngoài ra, chi phí đầu tư cáp treo lớn, phải bảo trì thường xuyên nên không thích hợp làm phương tiện công cộng", ông Liên nói.

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho rằng, để làm dự án này, có 3 vấn đề cần chú ý. Thứ nhất, đó là quy hoạch không gian bến bãi. Làm cáp treo không tốn diện tích nhưng lại cần đến sự kết nối từ các phương tiện khác do vậy cần phải có thêm những bãi đất trống làm bãi trông giữ xe giữa hai đầu cáp treo. Vấn đề quy hoạch bến bãi đỗ xe cho lượng hành khách lớn đi cáp treo sẽ rất phức tạp.

Hơn nữa, thường dân nội đô sẽ ít dùng cáp treo vì họ phải di chuyển đến một điểm rồi lại gửi xe cá nhân tại đó, sau đó dùng dịch vụ di chuyển cáp treo, đến điểm bên kia không biết di chuyển bằng gì.

Thứ 2, hai điểm đầu của tuyến cáp treo là trạm trung chuyển Long Biên và bến xe Gia Lâm chắc chắn sẽ chiếm một diện tích nhất định kèm theo thiết bị máy móc, nhà chờ. Vì vậy, khu vực đó có đủ diện tích, quang cảnh bị lộn xộn, ảnh hưởng hay không là vấn đề cần quan tâm.

Thứ ba, quan trọng nhất là khi gặp giông bão, kết cấu của cáp treo dễ bị võng, gây nguy hiểm. Cần xác định tuyến cáp treo này chịu được sức gió cấp mấy để khi có giông bão, phải dừng hoạt động, đảm bảo sự an toàn.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

TS Bùi Công Minh, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị (trường ĐH Bách Khoa TPHCM) nêu quan điểm, cáp treo di chuyển trong thành phố để phát triển du lịch nội đô thì nhiều quốc gia đã áp dụng. Tuy nhiên, cáp treo được coi là phương tiện giao thông công cộng, phục vụ vận chuyển hành khách ông chưa thấy bao giờ. Ông phỏng đoán: "Nếu thực hiện thì hiệu quả của loại hình vận chuyển này không cao".

"Làm cáp treo qua sông Hồng không thể giảm ùn tắc giao thông, vì thực tế loại hình chỉ phục vụ được cho người đi bộ. Tôi lo ngại việc làm cáp treo có thể sẽ phá vỡ cảnh quan tự nhiên tại khu vực", ông Minh cho hay.

Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cáp treo đã đưa vào khai thác chưa chuyên chở được các loại hình hàng hóa khác. Vì vậy, nếu xây dựng cáp treo nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông thì ông cho là không phù hợp bởi dễ tạo các điểm ùn tắc ở hai đầu cáp treo.

PGS.TS Từ Sỹ Sùa (ĐH Giao thông Vận tải) cho rằng, muốn làm tuyến cáp treo này cần căn cứ các yếu tố như hiệu quả kinh tế và tác động xã hội. Về hiệu quả kinh tế chắc chắn khó khả thi bởi tuyến cáp dài đến 5km. Từ thiết kế đến vận hành, mua sắm trang thiết bị, giải phóng mặt bằng rất tốn kém. Còn tác động xã hội - chỉ thời gian đầu người dân tò mò, mua vé ngắm cảnh nhưng thời gian sau sẽ rất "ế" khách, bởi năng lực vận chuyển của tuyến cáp treo không thấm vào đâu so với lưu lượng giao thông của Hà Nội.

Theo PGS, giá vé cũng là một trong những điểm đáng quan tâm nếu thực hiện dự án này. Bởi từ trước đến nay, số người sử dụng phương thức vận tải di chuyển giá rẻ rất nhiều, khi có phương thức thuận lợi nhưng giá quá đắt khó hút được khách.

"Mỗi lần vận hành giá vé 80.000 đến 100.000 đồng người dân sẽ không "cân" được. Nếu trợ giá thì Hà Nội sẽ phải bù lỗ bao nhiêu tiền? Hiện nay chỉ 6 tháng, Hà Nội đã trợ giá cho các tuyến buýt 500 tỉ đồng rồi", PGS.TS Từ Sỹ Sùa cho hay.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Giao thông Vận tải) - nói rằng - chưa quốc gia nào trên thế giới làm cáp treo trong nội đô, bởi loại hình này rất tốn kém, hiệu quả lại không cao.

Thông thường, người ta chỉ làm cáp treo nơi có địa hình hiểm trở, hoặc đi trên núi, qua biển phục vụ du lịch. Khi đi tham quan, du lịch, người dân mới sẵn sàng trả phí cao để đi cáp treo còn việc dùng để di chuyển hàng ngày, đi làm là điều khó có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, theo TS Thủy, năng suất vận chuyển của loại hình cáp treo rất thấp, chỉ 3.000 - 4.000 người/giờ, không giúp giảm tải nhiều trong vấn đề ùn tắc giao thông. “Giá đi cáp treo cũng sẽ rất cao, chưa kể hành khách phải chịu thêm phí của phương tiện trung chuyển khi đi đến 2 điểm đầu của tuyến sẽ khiến không nhiều người chọn loại hình vận tải này”, TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích thêm điểm bất khả thi của đề xuất này.

Mới chỉ là đề xuất để nghiên cứu

Đề xuất xây dựng tuyến cáp treo vượt sông Hồng để giảm ùn tắc của Tập đoàn Poma, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), cho rằng thành phố đã quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 1 từ Yên Viên đến Ngọc Hồi. Tuyến này có hướng đi trùng với cáp treo. Khi tuyến đường sắt số 1 vận hành, thời gian di chuyển ổn định và nhanh hơn rất nhiều so với cáp treo.

“Hiện, chúng ta có 7 cây cầu bắc qua sông Hồng, nhiều chuyến buýt và cả đường sắt đô thị chạy trên hành lang đó. Vậy, có cần làm thêm cáp treo để vận chuyển hành khách, ông Hải nói và lo ngại vấn đề an toàn và sự đồng thuận của người dân khi cáp treo di chuyển trên các tòa nhà.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị này chỉ vừa tiếp nhận đề xuất trên và đang tiến hành nghiên cứu. Nhà đầu tư mới chỉ đưa phương án để xin chủ trương nên chưa có các phương án tài chính cụ thể.

"Những năm gần đây, ùn tắc tại Hà Nội có giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Hà Nội cũng nhận được rất nhiều đề xuất về các phương án giảm ùn tắc khác. Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội đều phải nghiên cứu kỹ để đánh giá mức độ phù hợp mới cho triển khai vào thực tế.

"Về giải pháp xây cáp treo vượt sông Hồng, đây có thể là giải pháp hiệu quả ở một số nước, nhưng quan trọng phải phù hợp với điều kiện của Hà Nội", ông Tuấn nói.

Năm 2017, một doanh nghiệp ở TPHCM đã đề xuất giải pháp xây dựng cáp treo từ hai công viên Gia Định và Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất để giảm tình trạng kẹt xe trên đường vào sân bay. Tuy nhiên, sau khi khảo sát địa hình và tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà đầu tư đã dừng thực hiện dự án.

cường ngô
TIN LIÊN QUAN

1.300 tỷ xây 5km cáp treo qua sông Hồng: Chuyên gia tranh cãi

Vân Trường |

Chưa từng có tiền lệ trên thế giới, khả năng vận chuyển thấp, giá vé cao… là nhận xét của các chuyên gia về đề xuất xây cáp treo qua sông Hồng.

Hà Nội sắp có cầu vượt gần 4.900 tỉ qua sông Hồng

Theo Báo Đầu tư |

Công trình cầu vượt sông Hồng nằm trên đường vành đai 4, vùng Thủ đô nối Hà Nội và Hưng Yên sẽ được đầu tư theo hình thức BOT.

Hà Nội sau 10 năm mở rộng: Giải quyết khối lượng việc khổng lồ “như nước sông Hồng”

VƯƠNG TRẦN |

Đó là đánh giá của Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát về khối lượng công việc TP Hà Nội đã giải quyết sau 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

1.300 tỷ xây 5km cáp treo qua sông Hồng: Chuyên gia tranh cãi

Vân Trường |

Chưa từng có tiền lệ trên thế giới, khả năng vận chuyển thấp, giá vé cao… là nhận xét của các chuyên gia về đề xuất xây cáp treo qua sông Hồng.

Hà Nội sắp có cầu vượt gần 4.900 tỉ qua sông Hồng

Theo Báo Đầu tư |

Công trình cầu vượt sông Hồng nằm trên đường vành đai 4, vùng Thủ đô nối Hà Nội và Hưng Yên sẽ được đầu tư theo hình thức BOT.

Hà Nội sau 10 năm mở rộng: Giải quyết khối lượng việc khổng lồ “như nước sông Hồng”

VƯƠNG TRẦN |

Đó là đánh giá của Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát về khối lượng công việc TP Hà Nội đã giải quyết sau 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.