Tăng 35% về lượng và 81% về giá trị, xuất khẩu viên nén gỗ có thể mang về trên 1 tỉ USD
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài, trong 9 tháng năm 2022 đã ghi nhận sự “bùng nổ” sản lượng và giá cả xuất khẩu viên nén gỗ. Nếu năm 2021, lượng viên nén gỗ xuất khẩu từ Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD, thì chỉ riêng 9 tháng năm nay, xuất khẩu viên nén gỗ đạt gần 3,5 triệu tấn, với giá trị 542,3 triệu USD, tăng 35% về lượng và 81% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
“Hiện tại, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ 2 trên thế giới. Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 thị trường xuất khẩu viên nén gỗ lớn nhất của Việt Nam” – ông Phong cho hay.
Thông tin về tiềm năng xuất khẩu viên nén gỗ, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), chia sẻ: Trong thời gian qua, việc sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ không ngừng phát triển cả về quy mô, lẫn chất lượng.
“Hiện cả nước, có khoảng trên 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ với giá trị xuất khẩu viên nén gỗ liên tục tăng từ 145 triệu USD vào năm 2017 lên hơn 500 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2022” - ông Nghĩa cho biết.
Với mức tăng trưởng của viên nén gỗ, ngành NNPTNT kỳ vọng sẽ đóng góp thêm một mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD, đẩy thặng dư thương mại tăng cao.
Tăng xuất khẩu viên nén gỗ, Việt Nam góp phần bảo vệ môi trường
Ngoài mang về giá trị kim ngạch lớn, xuất khẩu viên nén gỗ còn đặc biệt có ý nghĩa to lớn khi tại COP 26, Chính phủ các nước trong đó có Việt Nam, đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm cả việc thay thế các nguồn nguyên liệu hóa thạch bằng các nguồn nguyên liệu sinh học như viên nén trong tương lai.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Viforest, nguồn nguyên liệu sản xuất viên nén chủ yếu là các phụ phẩm của ngành gỗ hiện nay bao gồm: Cành, ngọn, gỗ nhỏ, bìa bắp từ gỗ rừng trồng và các đầu mẩu, gỗ thừa… từ các cơ sở chế biến. Do vậy, viên nén gỗ được coi là một dạng năng lượng tái tạo trung tính carbon. Sử dụng viên nén gỗ, các nhà máy điện có thể chuyển đổi hệ thống sử dụng nhiên liệu than sang hệ thống đốt viên nén hoặc đồng thời sử dụng cả than và viên gỗ nén làm nguyên liệu. Viên nén gỗ cũng được sử dụng quy mô lớn trong công nghiệp để tăng cường giá trị nhiệt của chất thải và làm giảm lượng phát thải ô nhiễm.
Việc tham gia của các nước vào chương trình giảm phát thải ô nhiễm bằng sử dụng năng lượng "xanh" sẽ khiến nhu cầu viên nén ngày càng tăng trong thời gian tới, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu mặt hàng này.
Ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích của tổ chức Forest Trends cũng nhấn mạnh: Ngành sản xuất và xuất khẩu viên nén mới được phát triển hơn một thập kỷ gần đây, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho nhu cầu phát triển điện sinh học tại Nhật Bản và Hàn Quốc từ sau thảm động đất và sóng thần. Thế nhưng, với xu hướng tiêu dùng xanh, trong vài năm gần đây xuất khẩu viên nén gỗ đang tăng trưởng rất mạnh mẽ bởi viên nén gỗ được xem là giải pháp thay thế cho các loại nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch vì ít phát thải, khả năng tái tạo, chi phí rẻ.
"Nhìn từ góc độ kinh tế, viên nén gỗ có nguồn nguyên liệu rẻ với đầu vào luôn sẵn có, không kén chọn. Đây chính là "điểm cộng" cho mặt hàng này trong bức tranh xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam" - ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam đánh giá.
Chiều 28.10.2022, tại Đại hội thành lập Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam nhiệm kỳ I (2022-2023) do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh: Thời gian qua, sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ không ngừng phát triển cả về quy mô, lẫn chất lượng. Việc thành lập chi hội viên nén gỗ Việt Nam để đoàn kết, thống nhất các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ, giải quyết những khó khăn vướng mắc, đảm bảo cho ngành công nghiệp sản xuất viên nén gỗ phát triển bền vững, hiệu quả là hết sức cần thiết.