Mở rộng thị trường xuất khẩu
Cục Kiểm dịch Động thực vật (APHIS) Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa gửi thư tới Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) thông tin về việc Mỹ mở cửa thị trường với quả dừa (bỏ xơ) của Việt Nam.
Kết quả cho thấy, quả dừa sọ Việt Nam đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ về sản phẩm chế biến và có rủi ro lây lan dịch hại thực vật không đáng kể.
"Các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ ngay lập tức” - nội dung thông báo của APHIS khẳng định.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NNPTNT), song song với XK sang Mỹ, trái dừa cũng đã chinh phục được thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc.
“Bộ NNPTNT đã và đang tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan XK chính ngạch quả dừa tươi và các sản phẩm từ dừa sang Trung Quốc” - ông Huỳnh Tấn Đạt nói.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Chủ tịch HĐQT Vinanutrifood - cho hay: “Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh dây và sầu riêng là những loại đứng ở tốp đầu về kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc”.
Chị Nguyễn Hiền - chủ một doanh nghiệp (DN) XK rau quả tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) - cho biết, từ hơn 1 tháng nay nhu cầu nhập khẩu (NK) rau quả từ các DN đối tác tăng vọt khoảng 25-30% tùy loại. Điều đáng nói là, ngoài thị trường Trung Quốc, DN chị còn XK rau, quả sang Thái Lan, chủ yếu là mặt hàng củ, quả như bắp cải, su hào, cà chua, cải thảo cùng nhiều loại trái cây khác.
Hướng tới kỷ lục trên 5 tỉ USD trong năm 2023
Theo Bộ NNPTNT, trong 7 tháng năm 2023, XK rau quả đã mang về 3,23 tỉ USD, tăng 68,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 7.2023, XK mặt hàng này đã đạt 550 triệu USD, tăng 122,5% so với tháng 7.2022.
Như vậy, rau quả là ngành có mức tăng trưởng XK cao nhất trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam từ đầu năm đến nay. Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu giữ đà XK như hiện nay, thì mục tiêu trên 5 tỉ USD có thể đạt được trong năm 2023 - về đích trước hạn trước 2 năm.
Đánh giá tiềm năng XK rau quả trong năm 2023, Hiệp hội Rau Quả Việt Nam cho rằng, thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nhiều nghị định thư XK cho các loại nông sản, nhờ đó, hoạt động XK nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc có nhiều thuận lợi. Trong đó, XK sầu riêng sang thị trường Trung Quốc “bùng nổ” với kim ngạch lên tới 1,5 tỉ USD. XK chuối cũng rất khả quan. Nhờ nghị định thư ký kết với Trung Quốc vào tháng 11.2022, dự kiến kim ngạch XK chuối tăng thêm hàng trăm triệu USD trong năm nay.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam - nhận định: Nếu tính cả nhu cầu tăng nhập chuối VN từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… thì năm 2023, xuất khẩu chuối có thể mang về doanh thu 700-800 triệu USD.
Từ nay đến cuối năm, dự báo, trong quý III và IV sẽ có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, nhãn, sầu riêng, mít, bơ...
Như vậy có thể thấy nguồn cung trái cây đang và sẽ rất dồi dào, đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới và kim ngạch trên 5 tỉ USD có thể “trong tầm tay”.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), với đặc thù đa chủng loại, mùa vụ kéo dài trong cả năm, các loại trái cây của Việt Nam có thể XK vào các mùa trong năm, đáp ứng được nhiều thị trường, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Úc… Thống kê cho thấy, 7 tháng năm 2023, XK rau quả tăng mạnh tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, UAE, Malaysia…