Mỗi một món hàng là một hộp phải bỏ
Chị Hà Chi (Long Biên, Hà Nội) có sở thích mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử. Mỗi tháng, chị đều “chốt đơn” ít nhất 5 sản phẩm. Điều này đồng nghĩa lượng bìa cartonvà túi bóng bỏ đi là tương đương.
“Có lần tôi mua nhiều quá khiến thùng rác trong nhà không thể chứa hết được số hộp này. Thậm chí còn nhận được thùng hàng to, đóng gói cồng kềnh nhiều lớp dù món hàng đặt mua khá nhỏ và không dễ vỡ. Đôi khi tôi nghĩ mua hàng online khéo còn thải nhiều rác hơn cả mình đi chợ cầm theo làn” - chị Chi chia sẻ.
Trong vấn đề phát triển thương mại điện tử xanh - thương mại điện tử gắn liền với bảo vệ môi trường, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Phụ trách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương - nhấn mạnh rác thải bỏ đi khi mua sắm trực tuyến gấp 7 lần so với rác thải bỏ đi khi mua sắm tại cửa hàng.
Bà dẫn số liệu thống kê của Tập đoàn thiết bị đóng gói Shorr cho thấy, 86% người tiêu dùng được hỏi có nhiều khả năng mua hàng từ các nhà bán lẻ hơn nếu có bao bì bền vững. 77% người tiêu dùng được hỏi mong đợi nhiều thương hiệu cung cấp bao bì bền vững 100% trong tương lai.
Không những thế, một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, sự tăng trưởng mạnh của hoạt động giao hàng cuối cùng trong thương mại điện tử có thể góp phần gây ách tắc giao thông và làm tăng lượng khí thải carbon ở các thành phố lớn trên thế giới trong thập kỷ tới.
Cụ thể, nghiên cứu này ước tính đến 2030, số lượng phương tiện giao hàng trong 100 thành phố lớn trên thế giới sẽ tăng 36%. Lượng khí thải từ lưu lượng giao hàng tăng hơn 30%, đồng thời tình trạng tắc nghẽn giao thông tăng hơn 21%.
Tối ưu hoá để phát triển bền vững
Với Việt Nam, kinh tế số có nhiều tiềm năng phát triển và từng là cơ sở để nền kinh tế phục hồi tốt hơn so với kỳ vọng trong giai đoạn COVID-19. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để kinh tế số và phát triển bền vững không tách rời nhau, cùng nâng đỡ nhau.
Nếu tối ưu hóa về phát triển bền vững, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp tại Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - tin rằng lượng khí phát thải trong hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể từ 30 - 40% so với hoạt động thương mại thông thường. Qua đó sẽ đóng góp cho phát triển bền vững chung của toàn nền kinh tế.
Bà Việt Anh nhấn mạnh: “Nhu cầu của người tiêu dùng đối với bao bì bền vững là hiện hữu. Do đó tính bền vững và bao bì ít chất thải phải là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Bao bì bền vững được định nghĩa là phát triển và sử dụng bao bì có thể tái chế, tái sử dụng và được làm từ các nguồn tài nguyên hoặc vật liệu tái tạo nhanh chóng. Hoạt động này làm giảm tác động môi trường và dấu chân sinh thái của chất thải sản phẩm tiêu dùng”.
Nhiều đơn vị thương mại điện tử tại Việt Nam đã dần chuyển đổi hướng tới giảm bớt “dấu chân carbon”. Từ năm 2019, một thương hiệu giao hàng đã quy định bộ đồ ăn nhựa dùng một lần sẽ không còn được mặc định cung cấp khi khách gọi thức ăn. Nếu muốn dùng muỗng nĩa nhựa, khách hàng phải yêu cầu riêng.
Hay đơn vị khác thúc đẩy việc sử dụng xe điện để giao hàng từ năm 2017. Đồng thời còn áp dụng công nghệ tái chế giấy, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, giảm lượng vật liệu nhựa...