Lợi nhuận 400 - 600 triệu đồng/ha
Nhanh tay đóng những thùng vú sữa tím cho kịp đơn hàng, ông Sử Quốc Lộc - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Lộc - Mãi (xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Gần 1 tháng nay, HTX đã liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 20 tấn vú sữa sang Mỹ, Australia,... Tình hình xuất khẩu rất triển vọng, bà con ai cũng vui mừng.
Ông Lộc thông tin thêm: Ngay từ đầu vụ doanh nghiệp đã chủ động tìm đến HTX để bao tiêu với giá cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể 45.000 đồng/kg ngay đầu vụ và 32.000 đồng/kg từ giữa đến cuối vụ.
Anh Phan Miền Lên - thành viên HTX Nông nghiệp Lộc - Mãi - cho biết: Trước kia vú sữa chủ yếu tiêu thụ nội địa, giá cả bấp bênh. Có lúc trái chín rộ chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg, nhà vườn coi như thua lỗ. 4 năm trở lại đây, khi tham gia vào HTX, được doanh nghiệp bao tiêu, giá luôn ở mức ổn định và cao hơn thị trường. Bình quân 1ha đạt từ 400 - 600 triệu đồng, cao hơn 200 - 300 triệu đồng so với trước khi xuất khẩu.
Không riêng gì trái vú sữa tím mà các loại như vú sữa tím tứ quý, bơ hồng, tím hồng đào ở Sóc Trăng cũng đã dần chinh phục được thị trường khó tính, từ đó khẳng định vị thế trái cây chủ lực của miệt vườn sông nước.
Ông Trần Văn Phương - Giám đốc HTX Nông nghiệp Xóm Đồng 2 (xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Đây là vụ thứ 3, 21 ha vú sữa bơ hồng của HTX được doanh nghiệp bao tiêu để xuất khẩu với sản lượng dự kiến từ 150 - 200 tấn trái, với giá 55.000 đồng/kg kéo dài đến cuối vụ, cao hơn 7.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Số còn lại cung cấp cho các đơn vị thu mua đưa vào cửa hàng cao cấp.
Nhà vườn đồng lòng canh tác đạt chuẩn
Ông Sử Quốc Lộc - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lộc - Mãi cho biết: Tại HTX Nông nghiệp Lộc - Mãi, việc nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để trái vú sữa đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật luôn được chú trọng. 33 thành viên của HTX luôn đồng lòng áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm bông, ra hoa, bọc trái, đến khi thu hoạch, đóng gói; phân, thuốc hóa học được thay hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ và vi sinh. Hiện HTX có 33 ha đạt chứng nhận VietGAP.
Ông Lộc cho biết thêm, để chủ động được nguồn hàng cung cấp liên tục, từ niên vụ 2022 - 2023 HTX đã áp dụng kỹ thuật cho cây ra trái rải vụ, thời gian thu hoạch kéo dài chứ không chín tập trung như trước nhờ vậy sản phẩm không bị ùn ứ mà giá bán luôn ở mức cao.
Ông Trần Văn Phương - Giám đốc HTX Nông nghiệp Xóm Đồng 2 - thông tin thêm: Bà con đã thay đổi tư duy canh tác từ sản xuất truyền thống sang thân thiện với môi trường như sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực sinh học, bao trái để tạo ra sản phẩm vừa ngon vừa lành, có mẫu mã đẹp, có khả năng cạnh tranh cao ở thị trường trong và ngoài nước. Từ đó, thúc đẩy các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu, hạn chế rủi ro việc cung vượt cầu, được mùa - mất giá.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có trên 2.300ha vú sữa, tập trung chủ yếu tại huyện Kế Sách, với các giống chủ lực, như vú sữa tím, bơ hồng, tứ quý. Đến nay, tỉnh có 25 mã số vùng trồng với diện tích vú sữa đã được cấp là trên 196ha.
Để nâng cao giá trị trái vú sữa, ngành nông nghiệp địa phương đã đẩy mạnh việc xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ trên cây vú sữa, hướng đến sản phẩm sạch, an toàn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài khó tính. Địa phương cũng đã tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng giá trị cho trái vú sữa và đem lại thu nhập cao cho nông hộ.
Liên tục trong 5 năm qua, vú sữa Sóc Trăng đã được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Úc, Singapore,... với sản lượng ngày càng tăng. Niên vụ đầu tiên năm 2018 - 2019, xuất khẩu hơn 32 tấn, đến năm 2022 - 2023 là trên 199 tấn. Giá vú sữa được công ty, doanh nghiệp xuất khẩu mua tại HTX trung bình từ 30.000 - 55.000 đồng/kg (tùy thời điểm) cao hơn thị trường từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.