Cùng thời điểm đó, hàng trăm tấn su hào tại Tứ Kỳ (Hải Dương) cũng bị bỏ thối ngoài ruộng, Bộ NNPTNT phải cấp tốc cử đoàn công tác kiểm tra, tìm giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, tại văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Cục Trồng trọt cho rằng, hàng trăm tấn rau củ bị chặt bỏ là... không nhiều!
“Giải cứu” củ cải - người sốt sắng, kẻ thờ ơ
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, sau khi về trực tiếp địa phương để kiểm tra, tổ chức hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ bà con nông dân, đến ngày 21.3.2018, hàng trăm tấn củ cải đã được các siêu thị và các “Mạnh thường quân” thu gom, bán cho người tiêu dùng với giá 4.000 đồng/kg.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, nhiều đơn vị đi đầu trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ củ cải là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.Hà Nội: 12 tấn; Cty cổ phần Nhất Nam: 8 tấn; siêu thị BigC Thăng Long: 6 tấn; siêu thị Vinmart Hà Nội: 5 tấn; Cty HellMan: 1 tấn; Cty Tâm Thành: 2 tấn...
Tại hệ thống siêu thị BigC Thăng Long đã treo banner “Điểm hỗ trợ nông dân huyện Mê Linh bán củ cải trắng” ngay từ ngoài cổng. Trong siêu thị, củ cải được bố trí ở những vị trí dễ nhận biết để người tiêu dùng có thể mua ủng hộ. Siêu thị cũng liên tục phát loa thông báo để khách hàng biết chương trình bán củ cải hỗ trợ nông dân.
Theo ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc BigC Thăng Long - ngay những ngày đầu tiên của chương trình ủng hộ, trung bình mỗi ngày BigC tiêu thụ được 3 - 3,5 tấn củ cải. Hiện nay, chương trình bán củ cải ủng hộ bà con nông dân vẫn tiếp tục được tiến hành với giá bán không lợi nhuận 3.900 đồng/kg.
BigC Thăng Long dự kiến từ nay đến hết tháng 3.2018 sẽ tiêu thụ giúp bà con nông dân khoảng 30 tấn củ cải. Siêu thị Co.opmart Hà Đông cũng đang đưa ra kế hoạch thu mua củ cải giúp nông dân với mức giá mua dự kiến 2.500 - 7.000 đồng/kg tùy loại. Ngoài hệ thống siêu thị, hiện một số cá nhân cũng đã lên kế hoạch “giải cứu” củ cải, su hào giúp bà con nông dân.
Ông Nguyễn Thành Nhân - Tổng Giám đốc Saigon Co.op - cho biết: Ngoài phương án tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Co.opmart và cửa hàng thực phẩm Co.op Food tại Hà Nội, Saigon Co.op đã có phương án vận chuyển đưa củ cải vào các siêu thị Co.opmart và Co.op Food tại khu vực miền Trung và cả TPHCM để tăng lượng bán. Như vậy, dự kiến Saigon Co.op sẽ giúp bán ra tối thiểu từ 15-20 tấn các loại nông sản này mỗi ngày. Trong đợt đầu tiên giải cứu dự kiến diễn ra trong vòng 30 ngày liên tục sẽ giúp tiêu thụ từ 450 tấn đến hơn 600 tấn.
Điều đáng nói là, trong khi các DN, siêu thị và các tổ chức, đoàn thể đang sốt sắng thu mua củ cải hỗ trợ bà con nông dân và bán ra với mức giá không lợi nhuận, thì các tiểu thương tại các chợ dân sinh đang tỏ ra hết sức thờ ơ.
“Ngành trồng trọt chưa thấy được đây là vấn đề nghiêm trọng”
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế khi nói về vấn đề “giải cứu” nông sản. Trong khi vấn đề “giải cứu củ cải” đang nóng trong cộng đồng, thì Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) lại tỏ ra khá “bình tĩnh”, thậm chí cho rằng: Số rau, củ bị nhổ bỏ là… không nhiều! Nông dân đã lãi lớn ở các đợt thu hoạch trước rồi, giờ lỗ một chút cũng không sao.
Tại văn bản báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: Việc chặt bỏ rau không thu hoạch được chỉ xảy ra ở vùng trồng củ cải Tráng Việt - Mê Linh (Hà Nội) và vùng trồng su hào Tứ Kỳ (Hải Dương). Đối với vùng trồng củ cải ở xã Tráng Việt, có 90ha trồng chuyên canh củ cải, năm nay nông dân đã thu hoạch ổn định 3 lứa với lãi rất cao. Lứa rau đang cho thu hoạch là lứa thứ 4, phần lớn sản lượng rau đã được tiêu thụ hết.
Lượng rau tồn có diện tích xấp xỉ 10ha, phần lớn diện tích này đã được nông dân ký hợp đồng bao tiêu với thương lái với giá 35 triệu đồng/sào (tương đương 850 triệu đồng/ha). Số diện tích chưa ký hợp đồng bao tiêu với thương lái phần lớn được bán cho các bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp. Sau tết, khi giá rau giảm, nhiều thương lái muốn kéo dài thời gian thu hoạch để chờ giá cao hơn vào thời điểm gối vụ rau nhưng do thời tiết ấm nên củ cải đã nở hoa, củ nhanh bị già và xốp, chất lượng giảm không bán được, thương lái không quay lại thu sản phẩm nên nông dân buộc phải nhổ bỏ để giải phóng đất, tiếp tục trồng các loại rau khác.
Còn đối với vùng trồng su hào ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), giá bán trung bình trong vụ đông xấp xỉ 3.500 đồng/củ, tương đương khoảng 7 triệu đồng/sào/lứa hay 190 triệu đồng/ha/lứa. Trong khi chi phí vật tư như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là 1 triệu đồng/sào - chưa tính công lao động của nông dân - thì lãi xấp xỉ 6 triệu đồng/sào/lứa (160 triệu đồng/ha).
Đến hết vụ đông, nông dân đã trồng 3 lứa, như vậy lãi chưa trừ công lao động xấp xỉ 500 triệu đồng/ha. Sau khi trừ công lao động, nông dân còn lãi xấp xỉ khoảng 250-300 triệu đồng/ha trong 3 lứa rau. Về hiện tượng chặt bỏ sản phẩm, tương tự như đối với củ cải ở Tráng Việt, diện tích bị chặt bỏ là diện tích trồng vào lứa 1 của vụ xuân.
Tổng diện tích su hào lứa này của Hải Dương chỉ có 140ha, bằng 10% tổng diện tích su hào vụ Đông. Trong tổng diện tích 140ha su hào vụ xuân chỉ có 10ha trồng sớm, cho thu hoạch trùng đúng vào thời điểm tận thu rau vụ đông nên giá bị giảm sâu. Do giá thấp, nông dân có tâm lý chờ giá cao trở lại nên kéo dài thời gian thu hoạch, củ bị giảm chất lượng, xơ hoá khi gặp thời tiết ấm.
Chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long - cho rằng, giải cứu nông sản chỉ là biện pháp tình thế, Bộ NNPTNT nói nhiều về vấn đề này nhưng cuối cùng vẫn lặp lại.
“Vấn đề cốt lõi là phải quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch các loại nông sản, nhưng trước mắt cần dự báo thông tin thị trường, đánh giá “cầu” để “cung” không được vượt quá. Nếu cơ quan chức năng không tập trung nghiên cứu thị trường thì không bao giờ giải quyết được bài toán này. Quy hoạch cũng cần linh động theo nhu cầu của thị trường, Hiện chúng ta đang quy hoạch mà không xuất phát từ cầu, quy hoạch có tính chất là hình thức, máy móc” - PGS TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Ngày 20.3, trực tiếp đi kiểm tra việc tiêu thụ nông sản tại Mê Linh (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, việc cần hướng dẫn nông dân áp dụng công tác chế biến sản phẩm sau thu hoạch, đào tạo nghề về chế biến nông sản cho nông dân để đa dạng mặt hàng, sản phẩm cung ứng ra thị trường. Các hợp tác xã cần xây dựng nhãn hiệu tập thể mặt hàng nông sản để nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm.