Đây là một dữ liệu gây nhiều chú ý trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 vừa được VIB công bố cách đây ít ngày. Bản báo cáo này cho thấy tổng số dư các nhóm nợ xấu trong dư nợ cho vay khách hàng năm 2019 gồm nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3), nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tại ngân hàng VIB hiện là 2.200,4 tỉ đồng.
Như vậy, nếu so với tổng dư nợ cho vay khách hàng trong năm 2019 của ngân hàng là 129.199 tỉ đồng công bố trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, tỉ lệ nợ xấu trong dư nợ cho vay khách hàng của VIB vào thời điểm cuối năm 2019 chỉ là 1,7%.
Song theo Báo cáo tài chính quý IV/2019 của VIB, đây chỉ là phân loại nợ được thực hiện dựa theo tình trạng nợ của khách hàng tại ngân hàng. Còn nếu phân loại dựa theo tình trạng nợ của khách hàng sau khi cập nhật thông tin toàn hệ thống từ Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia CIC (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước), dữ liệu nợ xấu tại VIB lại có sự thay đổi đáng kể.
Thực tế dựa theo dữ liệu từ CIC, tổng số dư nợ xấu trong cho vay khách hàng của ngân hàng VIB tăng vọt từ 2.200,4 tỉ đồng lên 2.536,4 tỉ đồng, tương đương mức tăng hơn 336 tỉ đồng. Dữ liệu từ CIC khiến số dư cả ba nhóm nợ xấu của VIB đều tăng lên đáng kể, trong số này nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng vọt từ 1.613 tỉ đồng lên 1.757,5 tỉ đồng.
Biến động nợ xấu dựa theo dữ liệu từ CIC đồng thời khiến tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng VIB vào thời điểm cuối năm 2019 cũng tăng lên đáng kể, từ 1,7% lên 1,96%.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 02/2013, các ngân hàng phải thực hiện việc thu thập, khai thác thông tin về khách hàng bao gồm cả thông tin từ CIC để sửa đổi, bổ sung hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, quản lý tiền vay phục vụ việc đánh giá khách hàng, xét cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng và thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng.
Với yêu cầu trên, con số nợ xấu tại các ngân hàng phải là dữ liệu có sử dụng thông tin từ CIC .