Ngày 24.11, lô bưởi đỏ 5.400 quả đầu tiên của Hoà Bình đã lên đường sang Vương quốc Anh. Đây không chỉ là niềm tự hào của người trồng bưởi mà còn mở ra cơ hội cho nông sản Hoà Bình.
Những ngày cuối tháng 11, phóng viên Báo Lao Động có dịp về xứ Mường Bi, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình. Từng xe tải lớn, nhỏ dập dìu ngược xuôi, chở nông sản đến nơi tiêu thụ. Những gian hàng bày bán quả bưởi to tròn, căng mọng, toả hương thơm dịu.
Đưa phóng viên đi tham quan vườn bưởi của gia đình, anh Nguyễn Anh Tuấn - thành viên Hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc cho biết: "Trong số 5.400 quả bưởi xuất đi lần này, vườn của gia đình đóng góp 4.700 quả".
Nhớ lại những tháng ngày bén duyên với cây bưởi, anh Tuấn kể: "Gia đình tôi trồng bưởi đã được gần 10 năm nay. Ban đầu chỉ suy nghĩ đơn giản rằng nhận thấy địa hình và thổ nhưỡng ở đây phù hợp nên mạnh dạn thử".
Theo anh Tuấn, lúc đầu chưa có kỹ thuật, năng suất bưởi thấp. Quả bé, mẫu mã lại không đẹp khiến anh cùng nhiều nhà vườn khác bị thương lái ép giá.
Anh đã phải chở hàng đi khắp các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh để chào bán. Lâu dần, nhận thấy chất lượng, mẫu mã đẹp và ổn định, các thương lái tự chủ động liên hệ để lấy hàng.
"Nhiều năm sau, khi trồng, chăm sóc và được công nhận chuẩn VietGap, sản phẩm bưởi đỏ dần có chỗ đứng trên thị trường. Dự kiến năm nay sản lượng bưởi của gia đình đạt 100 tấn, sau khi trừ các loại chi phí sẽ thu về trên 1 tỉ đồng " - anh Tuấn bộc bạch.
Cách đó không xa, vườn bưởi của anh Phạm Khắc Thường - Giám đốc HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc cũng đang kỳ thu hoạch. Kết quả hơn 10 năm "ăn với bưởi, ngủ với bưởi" của anh nay đã cho trái ngọt.
Anh Thường chia sẻ: "Cuối năm 2021, khi biết sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc sẽ được kiểm định để đưa đi xuất khẩu, HTX đã lựa chọn những nhà vườn có chứng nhận VietGap để chăm sóc theo quy trình bên đối tác đưa ra".
Theo anh Thường, để đạt tiêu chí xuất khẩu, sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc phải tuân thủ quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Phân bón là phân chuồng ủ hoai mục, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là những chế phẩm sinh học để đuổi sâu bọ và côn trùng.
Anh cũng đầu tư một nhà xưởng rộng 200m2, một kho lạnh rộng 40m2 và hệ thống máy sục rửa quả tươi.
"Ngay từ lần gửi mẫu đầu tiên để phân tích, kiểm định chất lượng, bưởi đỏ Tân Lạc đã đạt 821/821 chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm của Vương quốc Anh" - anh Thường phấn khởi nói.
Vụ bưởi năm nay, với diện tích cho thu hoạch trên 20ha, dự kiến sản lượng của HTX khoảng 200-250 tấn. Với giá bán trung bình 8.000-15.000 đồng/quả.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Đức Hiển - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc cho biết: "Năm 2017, bưởi đỏ Tân Lạc đã được công nhận và cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc".
Theo ông Hiển, hiện tổng diện tích bưởi tại huyện Tân Lạc ước tính khoảng 1.150ha. Trong đó, 240ha đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGap. 6 HTX và tổ hợp tác với tổng diện tích 140,5ha được cấp mã số vùng trồng.
"Việc xuất khẩu chuyến bưởi đỏ đầu tiên sang Vương quốc Anh là sự công nhận cho nỗ lực của những người trồng bưởi Tân Lạc. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để quảng bá chất lượng và kích cầu tiêu dùng trong nước với nông sản địa phương.
Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục đồng hành cùng người dân để hỗ trợ các vật tư cần thiết. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị trong việc thực hiện các chứng nhận về sản xuất an toàn, cấp mã vùng trồng và hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm " - ông Hiển nói thêm.