Ngày 11.3, trao đổi với PV Lao Động, bà Đinh Thị Thúy Ngần - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình - cho biết, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, chủ động linh hoạt triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm và mở rộng thị trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá.
Việc đầu tư phát triển các cụm công nghiệp đã tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất ôtô, sản xuất linh kiện điện tử...
Đồng thời, góp phần phát triển các nghề truyền thống, các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho lao động khu vực nông thôn.
Từng bước di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư vào trong các cụm công nghiệp.
Năm 2024, tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp và đang khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một số khu công nghiệp mới.
Theo quy hoạch về phát triển cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình quy hoạch 25 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.000ha.
Cũng theo bà Ngần, với mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững theo hướng công nghiệp xanh, an toàn và hiện đại.
"Tỉnh Ninh Bình đang tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn. Đặc biệt, ưu tiên các ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô, công nghiệp hỗ trợ, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp và ưu tiên các dự án tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả" - bà Ngần cho hay.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển doanh nghiệp và các chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.