Dân buôn đồng loạt xả hàng nghỉ bán
Những ngày qua, thông tin về Nghị định 98 của Chính phủ xử phạt nặng hàng xách tay không rõ nguồn gốc khiến nhiều dân buôn hàng xách tay quyết định xả hàng, thanh lý ồ ạt, mong lấy lại vốn để đầu tư lĩnh vực khác.
Chị Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) liên tục lên các hội nhóm trên mạng rao bán, thanh lý các mặt hàng xách tay. Các mặt hàng chị kinh doanh chủ yếu là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng nhập từ Đức. Để thanh lý nhanh, chị giảm giá từ 10-20% cho mỗi sản phẩm, mua càng nhiều lại càng giảm mạnh.
"Tùy vào giá thành nhập mà mỗi sản phẩm sẽ được giảm mức giá khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết những sản phẩm mỹ phẩm sẽ được giảm 20%, thực phẩm chức năng giảm 10% còn hàng cận date có thể giảm sâu hơn nữa nếu mua số lượng lớn", chị Vân Anh nói.
Theo chị Vân Anh, để chấp hành quy đinh mới, nên chị quyết định xả hết hàng, tạm dừng kinh doanh. Trước đó, chị bán hàng xách tay Đức được gần 1 năm nay. Có những thời điểm bán chạy, mỗi tháng, chị nhập hàng một lần. Nhờ có người nhà bên Đức gửi hàng về nên việc lấy hàng và vận chuyển rất dễ dàng và nhanh chóng.
“Do có người nhà làm bên đấy nên có ai đặt mua gì thì tôi sẽ bảo mọi người gửi về. Hoặc với những mặt hàng dễ bán như mỹ phẩm thì tôi nhờ người nhà canh khuyến mãi rồi mua luôn”, chị Vân Anh nói thêm.
Cẩn thận bị lừa
Chị Huế cũng đang bán hàng xách tay sản phẩm sữa tăng chiều cao thời gian qua. Sản phẩm sữa của chị có hạn đến tháng 6.2021, nhưng khi có Nghị định 98, chị "quyết" xả hàng.
Tuy nhiên, chị Huế bật mí, thời điểm này ngoài việc dân buôn đồng loạt xả hàng xách tay thì có tình trạng lợi dụng tình hình, thừa cơ trộn lẫn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
"Một kho sỉ thời trang rao bán trên trang mạng xã hội Facebook với tiêu đề “Xả kho nghỉ bán”, “Xả lỗ 70% đóng cửa hàng nghỉ bán” từ ngày 30.8, khiến rất nhiều người đổ xô vào mua hàng. Tuy nhiên, đến ngày 16.9 mới đây, kho sỉ này vẫn hoạt động và sản phẩm đó vẫn được rao bán như bình thường", chị Huế nói.
Từng là nạn nhân trong trường hợp kể trên, anh Nguyễn Tuấn (Việt Trì, Phú Thọ) - cho biết, sau khi thấy đoạn quảng cáo với tiêu để "nghỉ bán, xả hàng xách tay với giá cực sốc", anh đã bỏ ra hơn 3 triệu để mua hàng.
"Khi thấy các hội nhóm đồng loạt xả hàng xách tay để nghỉ bán. Nghĩ đó hàng hàng thật, nên tôi bỏ ra 3 triệu đồng để mua đồ. Nào ngờ khi nhận hàng, mở ra mới thấy một nửa trong số đó là hàng giả, check code không được, gọi điện khiếu nại thì không nhận được phản hồi gì", anh Tuấn nói.
Luật sư Trung Nguyên - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, đối với hành vi bán hàng xách tay: Hành vi bán hàng xách tay là hành vi thương mại, không phải hành vi tiêu dùng.
Nếu hàng hóa xách tay được đưa vào lưu thông trên thị trường mà không thực hiện thủ tục hải quan, không có hóa đơn chứng từ thì đều bị xem là hàng nhập lậu.
Như vậy, ví dụ bạn nhờ một người họ hàng từ nước ngoài mua giúp 50 chiếc mặt nạ mỹ phẩm từ Hàn Quốc nhưng chỉ dùng 5 chiếc, 45 chiếc còn lại đem bán thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật do buôn bán hàng xách tay không có hóa đơn hợp pháp.
Chính vì vậy, các sản phẩm được đưa từ nước ngoài về Việt Nam, muốn lưu thông, buôn bán bắt buộc phải có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của sản phẩm.