Thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng tốt
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc năm 2021 đạt 165,8 tỉ USD, tăng 24,6% so năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đạt gần 56 tỉ USD, tăng 14,5% và nhập khẩu xấp xỉ 110 tỉ USD từ Trung Quốc, tăng tới 30,5% so với năm 2020.
Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.
Ngược lại, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia.
Nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên. Trong đó, lớn nhất là điện thoại và linh kiện. Tiếp theo là nhiều nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.
Nhiều hàng hóa Việt Nam có cơ hội lớn tại Trung Quốc
Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ nhiều hàng nông sản của Việt Nam, trong đó đặc biệt là các mặt hàng thủy sản, rau quả; hạt điều; cà phê; chè; gạo; sắn và sản phẩm sắn; cao su, sản phẩm từ cao su… Trong đó, rau quả và cao su là 2 nhóm hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỉ USD.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho biết, hiện nay, Việt Nam là nhà cung cấp cá tra đông lạnh “độc quyền” tại Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc đang thiếu cá tra và dự báo sẽ tăng nhập khẩu trong thời gian tới. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong năm 2022, đặc biệt là trong các tháng của quý I.2022 khi nhu cầu của thị trường này vẫn ở mức cao bởi hậu thuẫn sức mua từ nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc trong Tết Nguyên đán.
Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, với 11,35 tỉ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2021, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, với 1,39 triệu tấn, trị giá 2,28 tỉ USD, tăng 2,5% về lượng và tăng 24,9% về trị giá so với năm 2020, chiếm 71,4% về lượng và chiếm 69,7% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm thị trường sữa Trung Quốc có giá trị ước tính khoảng 30 tỉ USD. Nguồn cung sữa trong nước của Trung Quốc chỉ đáp ứng 75% nhu cầu sữa trên thị trường nội địa, và đây được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp sữa của Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã cấp Mã giao dịch cho phép 9 công ty/nhà máy của Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc, gồm TH True Mil, Công ty Bel Việt Nam, Nutifood, 3 nhà máy của Vinamilk (Nhà máy Sữa Thống Nhất với sản phẩm sữa đặc, Nhà máy Sữa Sài Gòn với sản phẩm sữa lên men bổ sung hương vị, Nhà máy Sữa Trường Thọ với sản phẩm sữa tiệt trùng, sữa biến đổi, sữa đặc có đường và các sản phẩm sữa đặc khác). Đặc biệt, có hai doanh nghiệp vừa được cấp phép là Công ty FrieslandCampina Hà Nam và Công ty FrieslandCampina Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc khẳng định, thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ dù dịch bệnh COVID-19 và những khó khăn, trở ngại trong kiểm soát dịch bệnh giữa hai nước, chuỗi sản xuất của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhu cầu về tiêu dùng của thị trường Trung Quốc giảm so với các năm trước…
Mặc dù xuất khẩu thịt của Việt Nam đang ở mức khiêm tốn, nhưng năm 2021, Trung Quốc là thị trường đứng thứ hai, chiếm 22% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam đã xuất khẩu 4,3 nghìn tấn thịt với trị giá 9,85 triệu USD sang thị trường này.
Năm 2021, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh…