Hy vọng làm giàu từ "cây trend"
Cách đây vài tháng, thời điểm trà mãng cầu trở thành cơn sốt mạng xã hội, nhà vườn Nguyễn Văn Út (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) có lãi hơn trăm triệu đồng/vụ.
Ông Út cho biết: "Bình thường thương lái thu mua tại vườn dao động từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Khi trào lưu trà mãng cầu xuất hiện, giá mãng cầu tăng vọt, đỉnh điểm lên đến 100.000 - 120.000 đồng/kg. Giá cao nhưng người ta mua nườm nượp, không đủ bán".
Theo ông Út, với 0,5 ha đất vườn trồng mãng cầu xiêm, ông thu hoạch mỗi vụ được từ 3 - 4 tấn. Với mức giá bình thường từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, sau khi trừ đi hết chi phí, ông lãi khoảng 30 triệu đồng. Khi cơn sốt trà mãng cầu bắt đầu, lợi nhuận ông thu về gần 200 triệu đồng.
Nhận thấy lợi nhuận cao, không đắn đo nhiều, ông Út quyết định tăng diện tích trồng với hy vọng làm giàu từ "cây trend".
"Thời điểm đó, tôi lãi gấp 4 - 5 lần so với vụ trước. Giá cao, không đủ bán nên tôi quyết định thuê đất 0,2 ha, mở rộng diện tích trồng lên 0,7 ha. Nông dân quanh năm vất vả, được trời thương cho giá cao nên cố gắng tranh thủ trồng thêm làm giàu" - ông Út nói.
Cũng với hy vọng làm giàu từ "cây trend", gia đình ông Phạm Văn Chiến (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) lại quyết định đốn hạ vườn dâu da để trồng măng cụt. "Lúc đó thấy món gỏi gà măng cụt được nhiều người thử, người ta đổ xô tìm mua, tôi mới quyết định đốn hạ 0,3 ha dâu da trồng măng cụt, với hy vọng có lãi nhiều" - ông Chiến cho hay.
Chỉ mong không lỗ vốn
Lãi chưa thấy đâu, ông Út lại ngậm ngùi khi 0,2 ha đất mở rộng trồng thêm mãng cầu hiện chỉ toàn cây con mà trend đã hết, giá sụt giảm.
"Lúc tôi quyết định thuê đất để trồng, tầm khoảng sau 1 tháng trend mãng cầu đã hết, giá cũng bắt đầu sụt giảm hiện còn 25.000 - 35.000 đồng/kg thu mua tại vườn. Để mãng cầu cho trái cũng mất 3-4 năm, bây giờ cây chưa kịp trưởng thành mà trend đã hết, tôi biết mình đã quyết định sai" - ông Út bộc bạch.
Theo ông Út, thời điểm trend trà mãng cầu, giá mãng cầu cao đỉnh điểm, cao hơn cả sầu riêng nên ông mới quyết định trồng hy vọng làm giàu. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, ông chỉ mong không lỗ vốn.
"Không biết đến lúc cây cho trái thì giá cả thế nào, chỉ hy vọng là giá bình ổn. Hiện tôi phải dùng số tiền lãi trước đó để trả tiền thuê đất cho người ta" - ông Út tâm sự.
Không khá hơn, nhà vườn Phạm Văn Chiến lại ngậm ngùi vì thiếu kĩ năng chăm sóc khiến vườn măng cụt bị sâu bệnh, ông quyết định đốn bỏ lần nữa để trồng lại sầu riêng.
"Bây giờ hối hận cũng không kịp, đâm lao thì phải theo lao. Nếu vườn măng cụt không bị sâu bệnh thì trend gỏi gà măng cụt hết, giá cũng đã sụt giảm. Giờ chỉ hy vọng vườn sầu riêng có thể phát triển tốt để còn bù vốn cho giống cây mua trồng trước đó" - ông Chiến nói.