Xăng dầu giả, kém chất lượng cũng rất phổ biến
Tại tọa đàm: "Nhận diện và giải pháp ngăn chặn hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại" do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 28.7, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, những năm qua, thực trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại diễn biến khó lường, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi.
Lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm có quy mô lớn tại các địa phương, bắt giữ nhiều kho chứa lượng lớn hàng hóa vi phạm, với các chủng loại vô cùng đa dạng.
"Trước đây, hàng giả, hàng nhái tập trung ở các mặt hàng như mỹ phẩm, đồ gia dụng, may mặc... nhưng bây giờ có cả xăng dầu giả, xăng dầu kém chất lượng, vật tư phân bón cũng rất phổ biến" - ông Linh cho hay.
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra, phát hiện rất nhiều vụ việc chế tạo, sản xuất phân bón giả ngay ở trong thị trường nội địa. Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, thậm chí trộn cả đất, cả xỉ vào để làm phân bón giả, bán ra thị trường.
"Cách đây 2 ngày, chúng tôi chỉ đạo Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, bắt giữ hơn 20 tấn nước hoa của các thương hiệu nổi tiếng có dấu hiệu giả mạo hoàn toàn", ông Linh thông tin.
Theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, hiện nay, môi trường thương mại điện tử cũng là "mảnh đất màu mỡ" cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cách đây hơn 1 tháng, lực lượng QLTT đã kiểm tra một cơ sở sản xuất mật ong giả ở Hoài Đức, Hà Nội.
Theo đó, mỗi ngày, hộ gia đình này sản xuất hàng trăm lít mật ong giả và bán trên mạng xã hội Facebook. "Đây là những thứ rất nguy hiểm đến sức khoẻ của người dân", ông Linh khẳng định.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết, những doanh nghiệp làm ăn chân chính, họ rất bức xúc trong tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian qua.
Tuy nhiên, quá trình phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước để "bóc trần" những hành vi làm giả vẫn chưa đầy đủ, do vậy gây khó khăn trong vấn đề xử lý, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
Về phía các đơn vị trung gian như chợ trực tuyến, do số lượng nhân sự hạn chế, trong khi các đối tượng đăng bán sản phẩm hàng giả, hàng nhái rất tinh vi, lách bán sản phẩm giả mạo bằng nhiều tên gọi khác nhau, hoặc sử dụng kỹ thuật để lách các bộ lọc nhận diện… cho nên các sàn thương mại điện tử chưa thể kiểm soát triệt để được.
Cần sự phối hợp của "kiềng 3 chân"
Về giải pháp, ông Trần Hữu Linh cho rằng, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của "kiềng 3 chân": Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Linh cần có những chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
"Trong những năm qua, chúng tôi tập trung nhiều tâm huyết để thay đổi quy định pháp lý, chế tài xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái. Từ việc ban hành Nghị định 98, 99 thay thế nghị định cũ, chế tài xử lý đều được nâng lên kịch khung, tính răn đe rất mạnh.
Ngoài ra, đối với việc kiểm tra, kiểm soát, chúng tôi coi đây là nội dung trọng tâm trong hoạt động chuyên môn của lĩnh vực QLTT, tập trung triệt phá hàng gian, hàng giả ở cả hai môi trường: truyền thống và online. Tăng cường, kiểm tra, kiểm soát, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ QLTT.
Vấn đề thứ hai theo ông Trần Hữu Linh cần nhận diện, đó là việc buôn bán hàng giả, hàng nhái mang lại lợi nhuận rất cao, nhưng hậu quả của việc này rất khôn lường. Do vậy, lực lượng QLTT khuyến nghị, những doanh nghiệp làm ăn chân chính, khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước để xử lý.
"Đây một "mặt trận" đòi hỏi phía doanh nghiệp cần phải có nhận thức rất sâu sắc để bảo vệ thương hiệu mình trước các hành vi gian dối, sai phạm", ông Linh nói.
Còn về phía người tiêu dùng, thời gian qua, lực lượng QLTT cũng đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến thông qua các kênh từ trên các phương tiện thông tin địa chúng đến việc tổ chức phòng trưng bày hàng thật - hàng giả để người dân có thêm kiến thức nhận biết.
Đặc biệt, người tiêu dùng không được thoả hiệp với hàng giả, hàng nhái, có như vậy thì mặt trận chống hàng gian, hàng giả mới hiệu quả.