Là một người hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu từ rất lâu và là thành viên trong ban soạn thảo từ những quyết định đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ như Nghị định 187 năm 2003, sau đó là Nghị định 55, 84, 83, 95, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam - cho rằng, hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập từ chính sách. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu là rất cấp thiết.
"Đáng ra điều này phải để cho thị trường quyết định thì chúng ta lại xây dựng nghị định càng ngày càng bó lại. Những ý kiến của các nhà bán lẻ, nhà phân phối được phản ánh chỉ là một phần, còn thực tế rất khó khăn, còn quá nhiều chế tài" - ông Bảo nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, khi góp ý vào nghị định không chỉ là vấn đề cơm áo gạo tiền mà còn nhiều ràng buộc từ chế tài khác mà các đại lí bán lẻ, thương nhân phân phối, đầu mối không nói ra hết. Những quy định trong nghị định cũng là rào cản gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh.
"Chúng ta vướng nhiều thứ chứ không riêng chiết khấu không đủ. Nghị định xây dựng càng bó thì càng khó cho thương nhân từ đầu mối đến bán lẻ, tạo ra nhiều rào cản cho doanh nghiệp" - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nói.
Hiện vẫn còn nhiều ý kiến về quy định mức chiết khấu tối thiểu xăng dầu, ông Bảo cho rằng, chiết khấu là thỏa thuận giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp kia, không phải Nhà nước. Vì vậy, không thể quy định lấy của doanh nghiệp này chia cho doanh nghiệp khác và phải đảm bảo tính đủ cho đầu mối, phân phối và bán lẻ.
"Tổng nhu cầu của chúng ta là 22 triệu lít, trong đó bán qua hệ thống bán lẻ khoảng 70%, tương đương khoảng 15-16 triệu lít. Các cửa hàng bán lẻ chính là các cứ điểm quan trọng bậc nhất trong 1 tổ chức lưu thông.
Việc không tính đủ chi phí để trả chiết khấu cho bán lẻ, không thỏa thuận được là do cực chẳng đã, vì doanh nghiệp đầu mối không có gì để chi, do việc tổ chức công thức giá. Do đó, khi tính toán giá xăng dầu cần phải tính đúng, tính đủ, bao gồm cả dự trữ lưu thông" - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam khẳng định.
box: Mới đây, Bộ Công Thương có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trong đó có nội dung sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương cho biết, sau khi ghi nhận góp ý từ các bộ, ngành, doanh nghiệp về sửa Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, việc sửa đổi sẽ hướng vào các nội dung như sửa công thức giá, phương thức điều hành; thời gian điều hành và công bố giá.