hàng hóa, nông sản bị ảnh hưởng trước dịch viêm phổi do virus corona:

Tìm thị trường mới, chuyển hướng xuất khẩu

Nhóm PV |

Chiều 3.2, Bộ NNPTNT tổ chức cuộc họp với Bộ Công Thương và một số bộ, ngành liên quan nhằm tìm giải pháp giải quyết tình trạng khó khăn của hàng hóa, nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp từ chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Một số ngành kinh tế nhất là vận tải, sản xuất nông lâm, thuỷ hải sản trong nước bị ảnh hưởng lớn khi việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ngừng trệ. Nhiều địa phương đã kiến nghị Bộ Công thương, Chính phủ cho phép mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới, đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa, tránh phát sinh ùn ứ, ép giá.

Thương mại Việt - Trung bị ảnh hưởng

Theo nhận định của Tổng Cục phó Tổng cục Hải quan - Mai Xuân Thành, do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp bởi virus Corona kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc trước mắt bị sụt giảm. Cũng theo ông Thành, hiện Tổng cục Hải quan đã phát công văn yêu cầu tất cả các cục hải quan địa phương, đặc biệt là những tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc phải kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - Trần Thanh Hải cho biết, hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Nhiều mặt hàng nông sản của ta hiện nay chỉ có thể xuất khẩu qua cửa khẩu phụ. Hiện tại chưa thể dự báo được thời gian đóng cửa khẩu sẽ kéo dài trong bao lâu, nhưng chắc chắn không thể thông quan trong vòng một, hai tuần được cho nên các doanh nghiệp cần chủ động để điều tiết ngay từ vùng sản xuất, tránh việc đưa hàng hóa lên cửa khẩu vào thời điểm này. Còn việc nhiều mặt hàng nông sản rớt giá do phía Trung Quốc giảm thu mua nông sản, ông Trần Thanh Hải cho rằng, đây là tình huống bất khả kháng do nguyên nhân khách quan.

“Chúng tôi khuyến cáo người dân, doanh nghiệp điều tiết sản xuất, phải dãn ra để phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng tiêu thụ hàng hóa, không để xảy ra trường hợp sản xuất quá nhiều, không xuất được lại phải giải cứu”, ông Hải nói thêm.

Được biết, hiện Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng... nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi...

Hàng không thiệt hại nặng

Nhằm ngăn ngừa sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) và thực hiện thông báo của Cục Hàng không Việt Nam về việc dừng cấp phép cho tất cả các chuyến bay đến/đi từ Trung Quốc. Tổng Công ty Quản lý bay Việt Việt Nam (VATM) cũng đã thông báo tin tức hàng không với nội dung tạm thời hủy cấp phép bay đã cấp cho các hãng hàng không khai thác các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới.

Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định của Cục Hàng không Việt Nam ngừng toàn bộ các chuyến bay đi/đến Trung Quốc là hoàn toàn cần thiết, nhất là khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố nCoV là “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”. Và hiện nhiều hãng hàng không trên thế giới đã quyết định ngừng khai thác các đường bay đến và đi từ các sân bay Trung Quốc. Việc dừng bay tới Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra, vận tải hàng không chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Bởi Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 sau thị trường Đông Bắc Á. Thậm chí nếu tính cả các chuyến bay thuê chuyến, đây có thể là thị trường lớn nhất. Việc ngừng các chuyến bay đến đây chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các hãng hàng không của Việt Nam. Hiện tại có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần. Cùng đó, 3 hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 72 đường bay thường lệ và không thường lệ (thuê chuyến) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần từ các sân bay của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc. Trước khi tạm dừng các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc  trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại.

Người trồng thanh long điêu đứng

Theo Giám đốc Sở Công Thương Long An - Lê Minh Đức, hiện toàn tỉnh Long An có gần 12.000ha thanh long, diện tích đang cho trái khoảng 10.000ha. Dịch bệnh virus Corona (nCoV) khiến cho người trồng thanh long điêu đứng khi thị trường Trung Quốc tạm dừng nhập thanh long. Giá bán loại trái cây này ở Long An từ 30.000 - 40.000 đồng/kg giờ chỉ còn trên dưới 10.000 đồng/kg. Để “giải cứu” thanh long, tỉnh Long An một mặt kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tìm đầu mối tiêu thụ, một mặt mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kết nối tiêu thụ thanh long cho người dân. Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình, trên địa bàn huyện có hơn 9.000ha thanh long, hiện có khoảng 1.500ha đang vào vụ thu hoạch với sản lượng khoảng 9.000 tấn. Hiện nay việc thu mua rất khó khăn, giá thấp. Huyện đã làm việc với các doanh nghiệp để thu mua thanh long trong dân.  Theo Giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu - Phan Văn Sáu, những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu. Tuy nhiên, tỉnh đã chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu nên có ít doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận - Mai Kiều, hiện nay nông sản tỉnh Bình Thuận chủ yếu là thanh long đang bị ùn ứ tại cửa khẩu. Trong khi đó, số diện tích thanh long đang còn trên cành sắp tới kỳ thu hoạch khoảng 8.000 - 10.000ha. Sở Công Thương Bình Thuận khuyến cáo các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang… Từ đó, có kế hoạch sản xuất, thu mua, đóng gói, giao nhận… nâng cao chất lượng hàng hóa, tránh phát sinh ùn ứ, ép giá.

Thủy sản rớt giá theo Corona

Không chỉ mặt hàng cây trái, hoa màu xuất sang Trung Quốc bị ngưng trệ mà các mặt hàng thủy sản tại ĐBSCL cũng rớt giá vì dịch cúm qua đường hô hấp cấp. Tại Bạc Liêu giá tôm giảm từng ngày, đã vậy thương lái cũng không mặn mà khi thu mua dù rằng đây là thời điểm hút hàng. Hiện giá tôm nguyên liệu giảm khoảng 20.000 đồng/kg. Trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg được thương lái mua 170.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn dưới 150.000 đồng/kg; tôm loại 40 con/kg chỉ 130.000 đồng/kg. Riêng tôm sú loại 30 con/kg từ 190.000 đồng/kg rớt xuống còn 160.000 đồng/kg. Cùng đó, tại Cà Mau, tình hình tôm rớt giá cũng tương tự. Theo Hiệp hội nuôi tôm Bạc Liêu, với giá giảm như  hiện nay thì người nuôi tôm sẽ lỗ nặng, bởi các khoản chi phí đầu vào như tiền điện, con giống, thức ăn, công nhân… đều tăng khá cao. Trong khi đó mặt hàng cua biển, thông thường qua Tết giá tăng cao do xuất sang Trung Quốc bán vào dịp rằm tháng giêng, nhưng nay cua biển giá rất thâp. Cua y loại trung bình chỉ 260.000 đồng/kg; cua gạch son chỉ 380.000 đồng/kg, cua vuông 320.000 đồng/kg. Tất cả đều thấp hơn mức giá cùng kỳ năm ngoái từ 20.000 đồng/kg - 50.0000 đồng/kg.

* Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: “Tình hình dịch bệnh do virus Corona ảnh hướng đến việc xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, do cả hai bên áp dụng các biện pháp để phòng dịch bệnh.  Lâu nay Trung Quốc là thị trường “khổng lồ” của nông sản Việt Nam, chiếm tỉ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có nhiều nhóm nông sản như thanh long, dưa hấu có tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn, lên đến 80%”. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, đành rằng Trung Quốc là thị trường hiệu quả, nhưng để phát triển bền vững thì không thể trông chờ vào một thị trường mà cần mở rộng thêm nhiều thị trường mới. “Chúng ta cùng tìm cách biến thách thức thành thời cơ, phải tìm thị trường mới” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

* Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, để nhanh chóng mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam, Bộ sẽ cử đoàn công tác, cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ sang Dubai (UAE) từ 15.2 để mở rộng thị trường Trung Đông; sang Hoa Kỳ từ 22.2 để phát triển thị xuất khẩu nông sản ở thị trường này. Ngoài ra cũng sẽ đi xúc tiến để phát triển thị trường ở Nhật Bản, Nga, Úc, Châu Âu, New Zealand, Indonesia, Hàn Quốc... Bộ NNPTNT cũng sẽ nghiên cứu, tư vấn để điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ,  tránh xảy ra việc sản xuất ồ ạt, dư thừa.

* Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng: Chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hết mức. Từ mùng 1 Tết Canh Tý, dịch bệnh do virus Corona bùng phát, Trung Quốc đã đóng 9 cặp chợ biên giới từ 31.1 đến 8.2 khiến việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó. Hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn. Điều đáng nói là hàng thanh long vẫn đang tiếp tục được đưa lên, riêng với thanh long, chúng tôi đã mở đường xuất khẩu riêng ở mốc hai bên Việt Nam - Trung Quốc vừa khánh thành và đã xuất được 8.000 xe. Đến giờ phút này, tại các huyện biên giới  với Trung Quốc chưa phát hiện ca nhiễm bệnh nào, đó là điều may mắn.

Chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội hạn chế đưa xe lên Lạng Sơn thời điểm này, tìm giải pháp tiêu thụ khác trong nội địa, bởi có đưa lên cũng nằm chờ, tốn chi phí.

Chúng tôi cũng đã chỉ đạo, các bến bãi chỉ thu phí ban đầu, còn những ngày còn lại không được phép thu bởi bà con đang rất vất vả, giá thanh long trước Tết 35.000 đồng/kg, nay chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, dưa hấu còn 1.000 đồng/kg. Lạng Sơn hiện đã hỗ trợ doanh nghiệp hết mức có thể. Chúng tôi chỉ thu 1/3 phí bến bãi (ví dụ 5 ngày thì chỉ thu phí 3 ngày) và miễn phí nước nôi sinh hoạt cho các doanh nghiệp có xe hàng đang chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.

* Ông Phạm Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Nông dân đang gặp khó. Tình hình thu mua thanh long của Long An chủ yếu là khách Trung Quốc. Giá thanh do các thương lái của Trung Quốc quyết định. Tuy nhiên, hợp đồng với nông dân không chắc chắn nên thường xảy ra rủi ro, do bán qua thương lái. Thị trường chủ yếu bán qua Trung Quốc với 75%, còn 25% Thái Lan, Hàn Quốc, Singapo, Nhật… Khánh Vũ - Đặng Chung

* Trung Quốc chiếm 22,6% tổng kim ngạch XNK

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 116,866 tỉ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam là 41,414 tỉ USD và nhập khẩu tới 75,452 tỉ USD. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng thêm tới 10,014 tỉ USD so với năm 2018. Như vậy, riêng thị trường Trung Quốc chiếm đến 22,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 2019. Đặc biệt, thị phần kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới gần 30%.

* Không để Doanh nghiệp ép giá nông dân

Để chủ động ứng phó với tình hình có thể tác động đến sản xuất và xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội ngành hàng phối hợp thực hiện một số việc. Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Chỉ đạo các Sở NNPTNT, Sở Công Thương thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, không bị ứ đọng cục bộ, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Chỉ đạo các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường thu mua nông sản nhất là rau củ quả, thủy sản, tăng cường công tác quản lý chất lượng, chế biến phục vụ nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, cung ứng thị trường trong nước.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Khổ luyện để trở thành kỳ nữ Mai hoa thung

Tạ Quang |

Để có thể biểu diễn Mai hoa thung, các vận động viên phải khổ luyện, thành thạo múa lân truyền thống và bắt buộc là phải biết võ thuật. Những chú lân bay nhảy trên dàn cọc sắt, cao từ 1m đến 3m, kết hợp với các động tác tung hứng mạo hiểm, tạo nên những pha thót tim.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhận 10.000 USD cảm ơn

Việt Dũng |

Ngoài chỉ đạo cấp dưới thương thảo, đàm phán nhà thầu "hỗ trợ" 2-5% giá trị gói thầu, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn còn nhận "cảm ơn".