GDP âm 6,17% do tác động bởi bối cảnh thế giới
Thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 9 tháng đầu năm 2021 và tăng trưởng GDP quý 3 năm nay giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 30.9, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là mức giảm kỷ lục kể từ năm 2000 khi bắt đầu có thống kê về tăng trưởng kinh tế.
Việc tăng trưởng âm như vậy tác động bởi bối cảnh thế giới do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngay cả những quốc gia tưởng chừng đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh, tỉ lệ phủ vaccine rất lớn, nhưng thời gian vừa qua, dịch cũng quay trở lại và có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Trong buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và Chính phủ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, các doanh nghiệp cũng đã nói lên "tiếng lòng" của mình, nói lên những khó khăn, thách thức trong vấn đề sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch.
"Với ngành công thương, chúng tôi chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không phát triển được thì ngành công thương cũng không có việc làm. Mặc dù quý 3 tăng trưởng âm như vậy, nhưng ngành công thương cũng đạt được một số chỉ tiêu, đóng góp cho sự cải thiện tình hình phát triển kinh tế xã hội nói chung và tình hình công nghiệp thương mại, xuất khẩu nói riêng", Thứ trưởng Hải nói.
Theo đó tính chung 9 tháng đầu năm 2021, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 4.45% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%).
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Nếu thuận lợi, Việt Nam sẽ xuất siêu trong năm 2021
Cũng tại buổi họp báo, trao đổi về tình hình thương mại, xuất khẩu những tháng cuối năm 2021, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu gắn chặt với sản xuất, gồm sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và khai thác khoáng sản.
Năm 2021, vào quý 2 và quý 3, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến các trung tâm sản xuất lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, các tỉnh phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long…
"Riêng khu vực 19 tỉnh phía Nam đã tương đương 45% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các tỉnh thành này chịu ảnh hưởng của dịch và giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng đến xuất khẩu" – ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.
Sau 1 thời gian bị ảnh hưởng sâu, nhập siêu đã quay trở lại và đến thời điểm tháng 7, mức nhập siêu tương đối lớn, lên đến hơn 2 tỉ USD. Tuy nhiên đến tháng 8, mức nhập siêu chỉ còn hơn 100 triệu USD và tháng 9, xuất siêu đã quay trở lại với con số khoảng 500 triệu USD.
Ông Trần Thanh Hải phân tích, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 18,8% sau 9 tháng, là con số khá lớn. Trong khi đó, cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cả nước chỉ tăng khoảng 7%. Tuy nhiên, hiện nay, tăng trưởng nhập khẩu đang lớn hơn với 30% và sau 9 tháng, cả nước đang nhập siêu 2,13 tỷ USD, tương đương 0,8% kim ngạch xuất nhập khẩu.
Chúng ta còn 3 tháng quý 4, nếu không có biến động lớn về kiểm soát dịch bệnh, hy vọng rằng 3 tháng cuối năm là thời điểm các địa phương phía Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng và kết thúc cả năm 2021 ở cán cân cân bằng. Còn nếu thuận lợi hơn thì có thể có xuất siêu.