Giả mạo người của UBND gọi điện cho người dân
Mới đây, Công an TP Hà Nội cho biết, sáng 18.11, trên địa phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm xuất hiện hình thức lừa đảo mới.
Cụ thể, vào thời điểm trên, một công dân trên địa bàn phường nhận được điện thoại của người tự giới thiệu đang làm việc ở Nguyễn Cơ Thạch thông báo công dân bị sai lệch dữ liệu.
Ban đầu người gọi điện thoại mời công dân ra đường Nguyễn Cơ Thạch để chỉnh sửa dữ liệu nhưng sau đó gợi ý hướng dẫn từ xa để lừa đảo.
Trước đó, vào ngày 17.11, anh T (phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đã nhận được một cuộc điện thoại với nội dung tương tự. Người gọi điện thoại cho anh T tự xưng là Ngô Trung Kiên, cán bộ bộ phận một cửa của UBND phường Quỳnh Lôi.
Người tên Ngô Trung Kiên này thông báo dữ liệu dân cư của anh T bị sai đề nghị ra bộ phận một cửa của UBND phường để chỉnh sửa.
Đáng chú ý, thông tin cá nhân như tên tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nơi ở đều rất chính xác khiến anh T bán tín bán nghi. Anh T sau đó đã trực tiếp liên lạc với UBND phường Quỳnh Lôi, được lãnh đạo phường xác nhận tại bộ phận một cửa của UBND phường không có người tên Ngô Trung Kiên.
Việc mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phức tạp
Theo cơ quan công an, thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao trong thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau.
Từ đó, cơ quan chức năng khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định. Không làm theo các yêu cầu, hướng dẫn của nhóm đối tượng liên lạc trên qua điện thoại.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
Một trong những lý do dữ liệu cá nhân có thể rơi vào tay đối tượng xấu đến từ việc các hoạt động mua bán dữ liệu đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Trong một hội thảo mới đây về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi, Phó trưởng Phòng tham mưu, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) chia sẻ, việc mua bán dữ liệu cá nhân khá phổ biến.
Một số trang mạng công khai hoặc nhóm kín rao bán hàng trăm nhóm dữ liệu y tế giáo dục, bảo hiểm, ngân hàng của công dân Việt Nam (gồm đầy đủ thông tin cơ bản: Họ tên, ngày tháng năm sinh, điện thoại, số tài khoản).
Riêng trong 2 năm gần đây, cơ quan công an đã bắt giữ một số vụ mua bán dữ liệu lớn, trong đó có nhóm đối tượng tại Hà Tĩnh và Phú Thọ.