Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy số lượng chứng khoán trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM tới cuối tháng 6.2024 là 1.603 doanh nghiệp. Trong đó HOSE 411 doanh nghiệp, HNX 314 doanh nghiệp và UPCoM 878 doanh nghiệp. Con số này trong các năm gần đây không có sự biến động nhiều, thậm chí còn chứng kiến mực sụt giảm nhẹ khi tổng số lượng doanh nghiệp trên 3 sàn vào cuối các năm 2019, 2020, 2021 lần lượt được ghi nhận ở mức 1.617, 1.655 và 1.641. Con số này chỉ chiếm phần nhỏ tổng số doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam (hơn 800.000 doanh nghiệp).
Bài toán thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết, gia tăng hàng hóa chất lượng trên thị trường chứng khoán trở nên cấp thiết. Đặc biệt đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang gấp rút hoàn thiện các tiêu chí để nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn nhận vào chất lượng cổ phiếu để quyết định xuống tiền.
Theo ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện nay IPO và niêm yết đang là 2 quá trình tách biệt. Có thể có một số doanh nghiệp IPO xong rồi nhưng quá trình niêm yết kéo dài. Trong khi đó, đối với nhà đầu tư tài chính nước ngoài, sau khi mua cổ phiếu, việc phải chờ từ 3 tháng trở lên không có giao dịch, không có thanh khoản sẽ là rào cản rất lớn, thậm chí một số quỹ hiện đang cầm những cổ phiếu không được niêm yết.
Để giải quyết việc này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang rà soát lại các quy định về chứng khoán và Nghị định 55 để tích hợp 2 quy trình IPO và niêm yết thành một quy trình. Do vậy, sau khi sửa đổi các quy trình này, có thể nói việc doanh nghiệp sẽ được niêm yết được thực hiện ngay và thực chất sau khi IPO.
"Các nhà đầu tư nước ngoài ngoài mong muốn vào thị trường khi họ nhìn thấy có nhiều doanh nghiệp lớn. Đây là mối quan hệ hai chiều. Do đó việc hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn niêm yết nhiều hơn cũng là giải pháp chúng tôi cố gắng để nâng hạng thị trường" - ông Hải nói.
Để khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ niêm yết, ông Trần Anh Tuấn - Công ty chứng khoán Dầu khí (PSI) - cho rằng cần giải quyết yếu tố chi phí tuân thủ và các yêu cầu pháp lý liên quan đến việc niêm yết. Chính phủ và các cơ quan liên quan có thể cung cấp các hình thức hỗ trợ tài chính, giảm thuế hoặc các chương trình khuyến khích đặc biệt để giảm bớt gánh nặng cho các SMEs khi niêm yết. Đồng thời, cơ quan quản lý có thể hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện quy trình đăng ký và tư vấn về quản lý và tài chính để chuẩn bị cho việc niêm yết. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp này tham gia vào thị trường chứng khoán một cách dễ dàng, hiệu quả và minh bạch.
Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp FDI cũng cần được quan tâm để khuyến khích niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) - nhận thấy còn nhiều những thách thức vì nhiều doanh nghiệp FDI có cấu trúc tập đoàn phức tạp, liên quan tới những công ty liên kết tại nhiều quốc gia khác nhau. Do đó Việt Nam có thể cân nhắc điều chỉnh các quy định về niêm yết, có những chính sách đặc biệt để khuyến khích hoạt động này của khối FDI.