Làm rõ hàng loạt vấn đề về xăng dầu
Theo nguồn tin của Lao Động, Thanh tra Chính phủ vừa có công văn gửi một số bộ ngành, tập đoàn, doanh nghiệp, trong đó có Bộ Công Thương, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các thương nhân đầu mối xăng dầu… về việc cử tổ công tác làm việc và thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác thanh tra năm 2022.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu như quy hoạch, phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu; việc tổ chức kinh doanh xăng dầu; việc quản lý kinh doanh xăng dầu; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hoạt động kinh doanh xăng dầu. Niên độ báo cáo từ ngày 1.1.2017 đến ngày 31.3.2022.
Với nội dung báo cáo công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo công tác lập, công bố công khai quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu dự trữ chiến lược, dự trữ lưu thông, hệ thống tuyến ống xăng dầu trên phạm vi cả nước. Cần chỉ rõ các quy hoạch đã được phê duyệt, kết quả thực hiện quy hoạch, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
Việc tổ chức và quản lý kinh doanh xăng dầu, Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo quy trình cấp phép kinh doanh xăng dầu đối với lĩnh vực kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu;
Sản xuất, pha chế xăng dầu; dự trữ xăng dầu... (tổng số đơn vị được cấp phép, trách nhiệm của từng đơn vị trong đảm bảo nhu cầu cung ứng xăng dầu trên thị trường và khi nhà nước có yêu cầu).
Báo cáo việc quản lý về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu như quy trình kiểm định, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, khối lượng xăng dầu...
Báo cáo nhu cầu, kế hoạch, khối lượng, tiến độ nhập khẩu hàng năm đối với việc kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu. Kế hoạch sản xuất, khối lượng sản xuất hàng năm về sản xuất, pha chế xăng dầu.
Về dự trữ xăng dầu, phải báo cáo tổng số cơ quan, tổ chức được giao thực hiện dự trữ xăng dầu (dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia), nêu trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể; cơ sở hạ tầng lưu trữ; quy trình dự trữ xăng dầu, quy trình xuất, cấp xăng dầu; khối lượng xăng dầu dự trữ, thời gian dự trữ xăng dầu... Trách nhiệm của các đơn vị tham gia dự trữ xăng dầu khi nhà nước có yêu cầu phải đảm bảo cung cầu trên thị trường.
Báo cáo về việc xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu.
Báo cáo quy trình trích, sử dụng quỹ Bình ổn xăng dầu, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Báo cáo việc niêm yết công khai giá bán xăng dầu, công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu. Báo cáo tổng số các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát đã thực hiện, tổng hợp số liệu kiến nghị, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý...
Báo cáo quy trình trích, sử dụng quỹ Bình ổn xăng dầu
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đã được Chính phủ quy định tại các Nghị định số 83 ngày 3.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 95 ngày 1.11.2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83 và các văn bản pháp luật liên quan khác.
Đề nghị các Bộ Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ căn cứ vào trách nhiệm của bộ mình được quy định tại Nghị định số 83 và Nghị định số 95 báo cáo về các nội dung sau đây: Việc xây dựng, ban hành kế hoạch, quyết định phân công tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ.
Việc tham mưu theo thẩm quyền để cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để thực hiện các nhiện vụ được giao.
Việc ban hành chính sách và quy định pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Kết quả thực hiện hàng năm; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
Công tác tự thanh tra, kiểm tra, việc xử lý sau thanh tra về các nhiệm vụ được giao: Tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra đã thực hiện; tồn tại hạn chế, vi phạm phát hiện sau thanh tra, kiểm tra; các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý...
Hơn 2 tháng, Bộ Công Thương cấp 22 giấy phép xăng dầu cho thương nhân?
Trong thời gian vừa qua, câu chuyện cấp giấy phép xăng dầu tiếp tục làm nóng nhiều diễn đàn khi chỉ trong hơn 2 tháng, Bộ Công Thương cấp 22 giấy phép xăng dầu cho thương nhân xăng dầu.
Từ ngày 1.1.2022 đến ngày 11.3.2022 (hơn 2 tháng), Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã phê duyệt, cấp 22 giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu. Trừ ngày nghỉ, ngày lễ, trung bình 2 ngày, Bộ Công Thương cấp 1 giấy phép cho thương nhân phân phối xăng dầu.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, con số 22 giấy phép cấp cho thương nhân phân phối là xử lý từ năm 2021 sang đầu năm 2022 và cấp lại. Kể từ khi Nghị định 95 có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, Bộ Công Thương chưa cấp mới một thương nhân phân phối nào.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Lao Động, 22 giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu là bao gồm cả cấp mới và cấp lại giấy xác nhận đã hết hiệu lực.