Thị trường chứng khoán khép lại năm 2023 với mức tăng hơn 12% cho VN-Index và thanh khoản cũng có sự cải thiện đáng kể trong tuần giao dịch cuối cùng trong năm. Dòng tiền vẫn đang có xu hướng tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Về mặt tích cực, diễn biến giảm mạnh của mặt bằng lãi suất năm 2023 sau giai đoạn tăng nóng cuối năm 2022 là yếu tố hỗ trợ đáng kể nhất đến dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, các yếu tố kìm hãm thị trường có thể kể đến như sự suy yếu của kinh tế vĩ mô, lợi nhuận các doanh nghiệp sụt giảm mạnh, Trung Quốc mở cửa nền kinh tế không như kỳ vọng, các xung đột địa chính trị ở khu vực Trung Đông…
Tổng kết cả năm, thị trường chứng khoán vẫn mang về thành quả tích cực. VN-Index năm 2023 tăng 12,2%, chốt ở 1.129.,93 điểm. Tăng về mặt điểm số, thị trường chứng khoán lại có một năm sụt giảm thanh khoản. Khối lượng giao dịch bình quân sàn HOSE đạt 15,2 nghìn tỉ đồng, giảm gần 20% so với năm trước.
Trong tuần giao dịch cuối năm thanh khoản trên HOSE đạt hơn 80.372,2 tỉ đồng, tăng 25,1% so với tuần trước, trong đó khối lượng giao dịch tăng 16,4%, cho thấy tâm lý thị trường cải thiện, dòng tiền ngắn hạn gia tăng tốt và tích cực trở lại với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN30 khi khối ngoại mua ròng trở lại sau 20 phiên bán ròng mạnh liên tiếp.
Dòng vốn tự doanh đóng vai trò dẫn dắt biến động thị trường, tập trung mua ròng trên thị trường cơ sở và trạng thái này đã kéo dài trong suốt diễn biến giao dịch năm 2023. Theo đó, giai đoạn thị trường tăng giá quý I/2023 và quý III/2023, thị trường đều nhận được sự hưởng ứng từ dòng tiền này trên diện rộng.
Đáng chú ý, hành vi giao dịch đặc thù của dòng vốn tự doanh trong năm 2023 là liên tục gia tăng tích luỹ cổ phiếu tại cuối các nhịp thị trường giảm mạnh, trong bối cảnh sức mua của dòng vốn này đang ngày càng gia tăng.
Trong năm 2023, khối ngoại là tiêu điểm của thị trường trong giai đoạn cuối năm khi liên tục bán ròng mạnh trên sàn HOSE. Tổng cộng cả năm, khối này bán ròng hơn 24,3 nghìn tỉ đồng trên HOSE. Trong đó, bán ròng gần 10 nghìn tỉ đồng trong tháng 12. Đánh giá về mức độ ảnh hưởng của dòng vốn ngoại, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng, hành vi giao dịch của dòng vốn ngoại chỉ tác động đến những biến động ngắn hạn của thị trường.
Theo đó, động thái bán ròng tập trung vào nửa cuối năm 2023 của dòng vốn này có thể sẽ không làm ảnh hưởng đến kịch bản chu kỳ thị trường trong trung và dài hạn. Diễn biến giao dịch bán ròng cao trào của dòng vốn ngoại tập trung vào tháng 12/2023. Đáng chú ý, mức độ và phạm vi giao dịch theo chiều bán của dòng vốn này đang giảm dần.
Mốc 1.130 điểm được xem là ngưỡng cản xét về mặt kỹ thuật, cũng đồng thời là vùng đỉnh ngắn hạn trong vòng 2 tháng qua. Do đó, thị trường “rung lắc” tại ngưỡng này cũng là điều dễ hiểu sau chuỗi tăng mạnh thời gian qua, nhằm kiểm định lại dòng tiền. Nhiều nhà phân tích lạc quan về việc chỉ số VN-Index sẽ dễ dàng “thoát ngưỡng” này vào đầu năm.
Quan sát biến động và các ngưỡng tâm lý ngắn hạn, FPTS đánh giá VN-Index sẽ vượt ngưỡng tâm lý ngắn hạn 1.130 - 1.140 điểm trong quý I/2024, sẽ là tín hiệu xác nhận giai đoạn biến động giằng co kết thúc. FPTS kết luận, dự kiến kịch bản biến động trong năm 2024 của VN-Index là Middle Bull Market của chu kỳ thứ 6. Trong đó xu thế chủ đạo là tăng giá và mục tiêu biến động hướng đến vùng 1.400 điểm.
Thị trường chứng khoán có thể duy trì xu hướng tăng trong tuần giao dịch đầu năm 2024 với chỉ số VN-INDEX hướng tới vùng kháng cự mạnh quanh 1.150 điểm, nhà phân tích từ Công ty Chứng khoán VNDirect bình luận thêm.