Thận trọng với “cơn sốt” đất nền

VÂN GIANG thực hiện |

Từ đầu năm trở lại, hàng loạt cảnh báo từ các địa phương đang xảy ra điểm nóng sốt đất như Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) hay vùng ven TPHCM… Cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Xây dựng cũng có những cảnh báo. Tuy nhiên, dường như “cơn khát đất” vẫn lan rộng. Nguyên nhân vì sao và làm thế nào để ngăn sốt đất? PV Báo Lao Động đã trao đổi với chuyên gia kinh tế đầu tư Nguyễn Trí Hiếu để đưa ra góc nhìn cho vấn đề này. Ông Hiếu cho biết: 

- Những người đầu tư vào đất nền hiện nay hầu hết là theo phong trào nhiều hơn là có sự nghiên cứu kỹ càng. Họ nhìn thấy đất lên thì họ đổ tiền vào. Chính vì vậy tại thời điểm có rất nhiều thông tin trên phương tiện truyền thông về sốt đất nhiều vùng, nên cứ lan toả. Bởi vậy, tôi nhìn nhận không phải kênh đầu tư khác thiếu hấp dẫn mà họ đổ tiền theo phong trào. Nguyên nhân sốt đất là bởi cò đất đang thổi giá lên quá cao, cò đất và giới đầu cơ đưa ra những thông tin thất thiệt như Chính phủ đang đầu tư mạnh vào hạ tầng nên giá đất chắc chắn sẽ lên. Thứ hai, tâm lý chung, vấn đề đất đai có hạn, người càng đông, thế nên nhiều người sẽ tìm đến các khu đất rẻ, đi tắt đón đầu theo xu hướng thị trường. Thứ ba, quy hoạch của Chính phủ như sân bay Long Thành, các đặc khu kinh tế, những thông tin này tác động lớn tới các nhà đầu tư khi các nhà đầu tư tin rằng giá đất sẽ lên và họ đổ tiền vào.

- Làn sóng đất tăng giá lan rộng, liệu các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ đã kém hấp dẫn nên giới đầu tư đổ tiền vào đất?

Hiện nay, lợi nhuận đầu tư đất nền đang cao đột biến. Gửi tiền ngân hàng 7 đến 8%/năm, vàng không tăng giá, vào ngoại tệ thì cũng ổn định, chứng khoán thì cũng vậy. Các kênh này không thể có lợi nhuận lên tới hàng trăm % nhưng đầu tư đất nền thì có thể. Tuy nhiên, ở những nơi mà giá đất tăng từ 50% trở lên thì chắc chắn có vấn đề thổi giá, có đầu cơ. Nhưng nhiều người thấy lợi nhuận cao như vậy thì tạo sự hấp dẫn.

- Theo quan sát của ông, đợt sốt đất này liệu có diễn ra kịch bản sốt đất lan rộng như đợt trước năm 2010 và sẽ gây ra hệ luỵ như thế nào?

Không có kênh đầu tư nào lên mãi được. Lúc giá đã lên quá cao thì bong bóng sẽ xì ra. Lúc đó giá đất rơi nhanh. Lúc này cò đất tung ra thông tin giá đất đang rất thấp nên đầu tư chắc chắn sẽ có lợi. Tuy nhiên nhìn nhận lại thì đây có phải giá thực tế hay giá cò đất thổi lên. Đến lúc nào đó khi đã ôm phần lớn đất nền nhưng không thấy hạ tầng đâu thì giá đất sẽ rất nhanh và rất nhiều thiệt hại.

- Theo quan sát của ông, với đà này thì thời điểm bong bóng đất nền vỡ sẽ là khi nào?

Việc này tuỳ thuộc vào giá đất. Nếu giá đất trong vòng 1 năm lên đến 50% là bắt đầu cẩn thận, lên tới 70-100%/năm thì đã xuất hiện nguy hiểm bong bóng. Bắt đầu từ 100%/năm trở lên thì bong bóng có thể vỡ ra bất kỳ lúc nào. Tại thời điểm này cơn sốt đang diễn ra với mức độ khác nhau, nếu đến cuối năm nay mà vẫn không có điểm dừng thì bong bóng sẽ nổ ra ở một vài địa phương, từ đó sẽ lan ra các nơi khác.

- Việc bong bóng bất động sản nổ ra không phải lần đầu, với góc nhìn của ông, thì cơ quan quản lý nhà nước nên làm gì vào lúc này?

Thứ nhất Bộ Xây dựng và Bộ TNMT nên có những thống kê cụ thể về giá đất. Hiện nay Việt Nam vẫn chưa có trung tâm thông tin về giá đất trên toàn quốc. Khi giá đất đã đẩy lên quá cao thì các cơ quan quản lý mới “la hoảng lên” trên các phương tiện truyền thông nhưng không có cơ sở dữ liệu gì trước để cảnh báo. Thứ hai, NHNN tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay tiêu dùng. Tôi đã nhiều lần yêu cầu NHNN phân loại cho vay tiêu dùng, trong cho vay tiêu dùng có hơn 1/2 là cho vay mua nhà, sửa nhà. Trong trường hợp người mua nhà dùng chính ngôi nhà thế chấp thì phải xếp vào cho vay kinh doanh bất động sản, hệ số rủi ro trường hợp này lên tới 200%. Với những đối tượng như vậy thì NHNN lại xếp vào tín dụng tiêu dùng. Vậy nên tín dụng cho vay bất động sản rất thấp dưới 10% tuy nhiên trên thực tế có thể lên tới 20%. Bởi vậy, NHNN xem lại phần phân loại rõ ràng để có cơ sở cảnh báo về dòng tiền đang đổ mạnh vào đất nền. Và cuối cùng, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Xây dựng, Bộ TNMT, NHNN nên có những cảnh báo để người dân biết...

Sốt đất nhiều nơi

Thận trọng với “cơn sốt” đất nền ở ven đô TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: A.C
Thận trọng với “cơn sốt” đất nền ở ven đô TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: A.C

Theo số liệu của Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện trên địa bàn TPHCM, hơn một tháng qua, hồ sơ đăng ký cập nhật biến động liên tục. Đơn cử, trong 3 tháng đầu năm 2018, Quận 2 có 2.704 hồ sơ nhà đất được chuyển nhượng, mua bán, Quận 9 có gần 7.000 hồ sơ nhà đất được chuyển nhượng. Tương tự, Quận 12 có 5.358 hồ sơ; huyện Hóc Môn có 3.357 hồ sơ; huyện Bình Chánh có 6.174 hồ sơ; đặc biệt huyện Củ Chi, hồ sơ cập nhật biến động chiếm số lượng lớn nhất với 13.866 hồ sơ… Ngoài TPHCM đang là tâm điểm sốt đất thì trong suốt 3 tháng qua, đất nền các huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) chuẩn bị trở thành đặc khu kinh tế cũng nhảy múa theo cấp số nhân.

Không chỉ vùng ven TPHCM hay các huyện đảo sắp thành đặc khu kinh tế, tại các tỉnh, thành khu vực phía Bắc dù không nóng bằng nhưng giá đất đã tăng từ 20 đến 50% chỉ trong vòng 1 năm qua. Báo cáo thị trường vừa công bố do Hội môi giới bất động sản Việt Nam thực hiện cũng cho biết, bất động sản tại TP.Hưng Yên (khu vực Phố Nối), TP.Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên... trở nên nóng hơn từ cuối năm ngoái. Một loạt dự án mới được ra mắt với sự tham gia của các nhà đầu tư lớn như Hòa Phát, TNR và các nhà đầu tư nhỏ hơn như Lạc Hồng Phúc, Vạn Thuận Phát... trong đó một số khu vực đã có tỉ lệ thanh khoản tới 70-80%.

Còn tại Hà Nội, điểm nóng sốt đất Hà Đông bắt đầu lộ diện, tại khu đô thị Phú Lương dù không giao dịch nhiều nhưng mức giá cũng tăng. Giá giao dịch hiện nay khoảng 25 triệu đồng/m2, trước Tết Nguyên đán chỉ khoảng 18-19 triệu đồng/m2. Như vậy, chỉ trong 3 tháng trở lại đây, trải dài khắp cả nước, giá đất đã tăng chóng mặt, từ vài chục % lên tới hàng trăm %. “Đổ tiền vào đất, một vốn bốn lời” đang được các nhà đầu tư rỉ tai nhau kéo đến đổ tiền vào các điểm nóng trên cả nước. THÔNG CHÍ

VÂN GIANG thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Người dân chen chân trong siêu thị ngày cận Tết mua hàng giảm giá, bình ổn

THUỲ TRANG |

Đà Nẵng - Với nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá, các siêu thị đang thu hút lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm Tết.

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Trách nhiệm cá nhân trong vụ Chủ tịch Vimedimex thâu tóm "đất vàng" ra sao?

Việt Dũng |

Hà Nội - Ngoài bị can Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Vimedimex và 8 người trong vụ dìm giá, thâu tóm 49.000 m2 đất, công an còn nêu trách nhiệm của nhiều cá nhân.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Đức nêu điểm mạnh của tân Bộ trưởng Quốc phòng

Ngọc Vân |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết kinh nghiệm dày dặn và “trái tim nhân hậu” của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khiến ông trở thành người phù hợp cho vai trò này.

Công việc thời vụ kiếm tiền triệu/ngày cận Tết

ANH THƯ |

Cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng lên. Kéo theo đó, nhiều công việc thời vụ nở rộ, người lao động có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.