Những ngày gần đây dư luận xôn xao về thương vụ mua bán cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỉ đồng diễn ra tại phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
“Cơn sốt bất thường” của lan đột biến lại quay trở lại sau một thời gian vắng bóng. Trước đó vào năm 2020, cơn sốt này cũng đã gây rúng động dư luận khi mà công an các địa phương đã bắt được rất nhiều đối tượng lừa đảo.
Sáng 25.3, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương - cho biết, hoạt động mua bán lan đột biến thời gian gần đây chủ yếu là về cách thức “thổi giá”, “làm giá ảo” để lừa đảo của một số đối tượng, được hiểu là các bên tự mua đi bán lại cây lan đột biến với giá chênh lệch rất cao.
Điều này sẽ kích thích người sau mua với giá cao hơn nữa, đến khi không có người mua tiếp theo thì người đang giữ sản phẩm lan đột biến sẽ phải chịu thiệt hại vì sản phẩm không tương xứng với giá trị thực tế.
Ngoài ra, còn có một số các thông tin phản ánh đây có thể chỉ là các “chiêu trò đánh bóng tên tuổi” của các đối tượng, thực tế không có giao dịch mua bán.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi tham gia vào các giao dịch mua bán lan đột biến để tránh bị thiệt hại lớn về tài chính.
Cẩn trọng khi bỏ tiền tỉ mua lan đột biến
Ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội Sinh Vật Cảnh TP Hà Nội, Phó Chánh văn phòng Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết, bất kỳ hoạt động nào thì cơ hội luôn đi cùng với thách thức, lợi nhuận thường đi đôi với rủi ro.
Vì vậy không nên đầu tư sản xuất kinh doanh theo tâm lý đám đông. Càng không nên dùng đòn bẩy vốn từ các nguồn vay mượn lãi suất cao.
“Lượng cung tăng quá lớn trong khi cầu hạn chế thì giá trị trao đổi dưới bất kỳ hình thức nào cũng bị đẩy lên. Từ đó làm phát sinh những trường hợp lợi dụng sự khan hiếm của hàng hóa để lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - ông Nguyên cho biết.