1. Làm quá nhiều thẻ ngân hàng không cần thiết
Nhiều người làm rất nhiều thẻ ngân hàng nhưng không dùng tới, phí dịch vụ cao khiến một tháng tiêu tốn không ít tiền. Riêng phí SMS banking hiện nay giao động từ 10.000 - 82.000 đồng/tháng. Với ngân hàng thu phí này đắt nhất, vị chi cho cả năm cũng lên tới gần 1.000.000 đồng. Ngoài ra, một số ngân hàng còn thu thêm phí dịch vụ Mobile Banking hay phí rút tiền mặt...
Để quản lý tài chính thông minh, bạn có thể thay đổi ngân hàng. Hiện nay có rất nhiều ngân hàng miễn phí dịch vụ kèm theo công nghệ hiện đại mà bạn có thể cân nhắc.
2. Mua sắm bốc đồng
Không thể phủ nhận cảm giác sung sướng khi mua được món đồ giá hời. Tuy nhiên trong thực tế không phải món đồ giá tốt nào bạn cũng thực sự cần tới.
Vì thế trước khi muốn mua thứ gì đó đang được giảm giá, bạn hãy chờ đợi khoảng 1 ngày để suy nghĩ. Với mua sắm online thì bạn lưu lại trong giỏ hàng chứ chưa mua vội. Thông thường, sự hào hứng sẽ chỉ bộc phát ban đầu rồi sẽ dần mất đi và bạn có thể không muốn mua chúng nữa.
3. Quên huỷ các gói cước không sử dụng
Theo nghiên cứu của chuyên trang tài chính Chase vào năm 2021, quá 70% người tiêu dùng Mỹ đã lãng phí hơn 50 USD/tháng cho việc thanh toán định kỳ những thứ họ không cần hoặc không muốn. Một trong những thủ phạm gây ra điều này là mọi người thường đăng ký dùng thử miễn phí rồi sau đó quên hủy chúng khi thời gian dùng thử hết hạn. Những khoản này thường được âm thầm đưa vào mục thanh toán tự động và tiền của bạn sẽ lẳng lặng ra đi hàng tháng.
Điều cần làm là kiểm tra ngay bản sao kê hàng tháng của thẻ ngân hàng hoặc thẻ tín dụng và huỷ luôn những gói cước không dùng tới (ứng dụng xem phim, nghe nhạc, chỉnh ảnh...).
4. Chất đống trong tủ lạnh
Một nghiên cứu bất ngờ chỉ ra rằng có tới 40% thực phẩm luôn bị dư thừa tại Mỹ. Nếu để ý, bạn sẽ thấy mình thường xuyên mua dư thực phẩm rồi bỏ quên không nấu tới hay mang về cả túi đồ ăn vặt để đến khi hết hạn mà vẫn chưa bóc ra...
Chuyên gia quản lý tài chính thông minh khuyên mỗi người nên kiểm tra kỹ tủ lạnh trước khi đi siêu thị. Lên thực đơn với những món đang có và lập danh sách những thứ thực sự cần mua. Khi đi siêu thị, bạn cần theo sát kế hoạch và hạn chế mua đồ linh tinh thêm vào.
5. Mua gói bảo hiểm giá quá cao
Bảo hiểm là điều cần thiết để chuẩn bị cho tương lai khỏi những rủi ro bất ngờ. Tuy nhiên nhiều người lại chọn mua gói bảo hiểm nhân thọ cho mình và con cái với giá quá cao. Dịch COVID-19 trải qua khiến nhiều người chật vật tìm cách nộp đủ khoản tiền này vì thu nhập bị suy giảm.
Điều cần làm là nên tham khảo kỹ các gói bảo hiểm của nhiều hãng khác nhau rồi tự so sánh mức giá để chọn ra gói phù hợp với tài chính cá nhân. Đặc biệt bạn cần phòng ngừa cả rủi ro thu nhập bị sụt giảm làm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán.
6. Nghiện dùng thẻ tín dụng
Tại Mỹ, các khoản nợ lãi suất cao và phí thẻ tín dụng khiến nhiều hộ gia đình bị thiệt hại trung bình 1.000 USD/năm. Dù là một công cụ hữu ích nhưng thẻ tín dụng sẽ là con dao hai lưỡi kéo tài chính đi xuống nếu bạn trở thành “con nợ tín dụng”.
Nếu đang mắc nợ, chuyên gia từ chương trình Tài chính thông minh đề xuất bạn hãy tập trung vào việc thanh toán số dư hiện có và đặt lại giới hạn thẻ tín dụng của mình. Đồng thời luôn có kế hoạch trả nợ đúng thời hạn để không bị đội lãi suất lên cao.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!
Chương trình Tài chính thông minh được đăng tải trên laodong.vn vào 19h tối thứ Năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, tổ chức tài chính uy tín… cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!