Nhu cầu cấp thiết
Ông Michael Chan - Giám đốc kinh doanh Công ty BW Industrial - cho biết, dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp có nhu cầu cần tích trữ nhiều nguyên vật liệu, thành phẩm để bán lẻ, tăng kho bãi ở gần cảng và khu vực sản xuất. Theo đó, Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư luôn được coi là mảnh đất tiềm năng, một trong những vị trí chiến lược có chính sách ổn định, được nhiều doanh nghiệp Châu Âu để ý, muốn tìm kiếm cơ hội để đầu tư và mở rộng sản xuất.
Đại diện một tập đoàn có dịch vụ chuỗi cung ứng thông minh toàn cầu, phía Best Inc Vietnam cũng nhận định, dù giai đoạn căng thẳng của đại dịch COVID-19 đã qua nhưng thói quen của người tiêu dùng chủ yếu giao dịch online trong thời gian đó không thay đổi, việc bán hàng online vẫn tiếp tục phát triển, điều đó có nghĩa là nhu cầu kho bãi cho thương mại điện tử cũng đang gia tăng nhanh chóng.
Cụ thể, dịch COVID-19 cũng đã giúp ngành thương mại điện tử và nhu cầu của người mua cũng như người bán đã thay đổi. Các kênh giao dịch online bắt đầu phát triển, được xây dựng thành những chiến lược chuyên nghiệp. Đây cũng là động lực tích cực, bởi thương mại điện tử ở Việt Nam mới chiếm một con số khiêm tốn.
Nắm bắt xu thế nhanh chóng, trước đó nhà phát triển kho logistics quốc tế Logos Property cũng đã liên doanh cùng Manulife Investment Management trong dự án phát triển nhà xưởng hậu cần hiện đại xây theo yêu cầu (built-to-suit) với tổng diện tích hơn 116.000m2và trị giá trên 80 triệu USD. Sự xuất hiện của những đơn vị quốc tế này là một làn sóng mới, đã nâng cao chất lượng kho vận, bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
Gia tăng nhu cầu kho bãi cho thương mại điện tử
Báo cáo tổng quan về thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam chia sẻ, Việt Nam đang chuyển đổi nhanh về phát triển tài sản cả logistics và bất động sản công nghiệp. Hiện thị trường có khoảng 60% là kho truyền thống và đang có xu hướng là chuyển sang bất động sản hạng A, kho bãi, bất động sản tích hợp và quan tâm tới việc phát triển bền vững.
Dự báo của Cushman & Wakefield trong 5 năm tới, sẽ có khoảng 40.000ha đất khu công nghiệp cung cấp cho thị trường. Các kho bãi cũng đang được quan tâm đầu tư mới và đến năm 2025 sẽ tăng trưởng 22%, sẽ có kho bãi chuẩn A và B.
Cũng theo khảo sát của Savills Việt Nam, ngành hậu cần kho bãi (logistics) của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhờ sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử. Cụ thể công nghiệp logistics Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là nhờ tăng trưởng của ngành thương mại điện tử. Đây là một trong những yếu tố khiến nhu cầu bất động sản logistics tăng mạnh.
Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cũng đưa ra nhận xét, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần, đặc biệt trước sự phát triển của ngành thương mại điện tử. Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm địa điểm. Các khu công nghiệp và khu hậu cần kho bãi, đặc biệt xung quanh thành phố lớn như Hà Nội đang có tỉ lệ lấp đầy cao, nhiều nơi đạt gần 100%. Nguồn cung bất động sản công nghiệp đang thiếu so với nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.
Theo ông Matthew Powell, những nhà đầu tư bất động sản công nghiệp tại Việt Nam ngày càng chú trọng nhiều hơn vào những giải pháp giúp tối ưu hóa hiệu suất hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã tham khảo chuyên môn từ các khu vực phát triển như Mỹ, Anh, Singapore, Australia hay Nhật Bản để đưa ra những cải tiến trong thiết kế và vận hành, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp logistics. Đặc biệt, từ những nỗ lực từ phía Chính phủ và doanh nghiệp, ngành kho vận hậu cần của Việt Nam được kỳ vọng sẽ còn tiến những bước dài hơn trong thời gian sắp tới.