Với việc luật hóa và cụ thể hóa nhiều nội dung, Luật BHTG đã nâng cao hiệu lực cũng như khả năng thực thi của chính sách BHTG, đưa chủ trương bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng lên một tầm cao mới.
Luật này đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước về BHTG, tổ chức BHTG, tổ chức tham gia BHTG cũng như quy định về quyền lợi của người gửi tiền, qua đó tạo hành lang thông thoáng, rõ ràng cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Suốt quá trình triển khai rốt ráo, các quy định của luật đã đi vào cuộc sống, tiếp tục phát huy hiệu quả mạnh mẽ.
Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai, Luật BHTG cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, do thực tiễn đã có nhiều thay đổi, hơn nữa Luật chưa quy định, quy định chưa rõ hoặc có quy định nhưng không thống nhất với luật khác.
Trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG, đến nay các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và BHTGVN đã thống nhất 5 nội dung chính sách dự kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung, bao gồm:
Thứ nhất, về phí BHTG, đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí BHTG theo đề nghị của NHNN; căn cứ vào khung phí BHTG, NHNN quy định mức phí BHTG cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại của BHTGVN đối với các tổ chức này.
Về việc tính phí của tổ chức tham gia BHTG, đề xuất bổ sung quy định về nghĩa vụ của tổ chức tham gia BHTG trong việc tính phí BHTG để tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN có đủ cơ sở pháp lý để triển khai.
Về thời điểm tính và nộp phí BHTG cho kỳ đầu tiên, bổ sung quy định về thời điểm tính và nộp phí BHTG cho kỳ đầu tiên đối với tổ chức tham gia BHTG mới thành lập là ngày Chứng nhận tham gia BHTG có hiệu lực.
Luật BHTG cũng chưa quy định về việc miễn nộp phí BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt. Nội dung này được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng và cần được đồng bộ vào quy định tại Luật BHTG.
Thứ hai, nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức BHTG. BHTGVN đề xuất sửa đổi, bổ sung về nguồn vốn hoạt động và doanh thu hoạt động, theo quy định của pháp luật hiện hành, tiền lãi từ hoạt động đầu tư tài chính được ghi nhận vào vốn hoạt động.
Cụ thể, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng nguồn vốn hoạt động gồm vốn điều lệ của tổ chức BHTG do Nhà nước cấp, nguồn thu từ phí BHTG, nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật; doanh thu hoạt động gồm nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của tổ chức BHTG, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng, BHTGVN được giao nhiều nhiệm vụ mới để tham gia sâu hơn vào quá trình này, đòi hỏi cần nâng cao năng lực tài chính.
Do vậy, cần thiết đề xuất bổ sung danh mục đầu tư giúp củng cố và tăng cường năng lực tài chính của BHTGVN để tái đầu tư, từ đó có thêm nguồn lực hỗ trợ hệ thống tổ chức tín dụng trên cơ sở hài hòa lợi ích của cả BHTGVN và của chung ngành ngân hàng.
Cụ thể, có thể sửa đổi, bổ sung theo hướng tổ chức BHTG được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi mua trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc; gửi tiền; mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của NHNN trong vòng 3 năm liền kề trước đó.
Bên cạnh đó, BHTGVN được bán trái phiếu Chính phủ; trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc; tín phiếu NHNN; trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các loại giấy tờ có giá đang nắm giữ; rút tiền gửi ngân hàng. NHNN quy định chi tiết về hoạt động đầu tư của BHTGVN.
Thứ ba, bổ sung quyền, nghĩa vụ của BHTGVN.
Cụ thể, đề xuất Luật BHTG bổ sung thêm 5 nhiệm vụ sau: Tham gia xây dựng, thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt khi được cấp có thẩm quyền giao;
Kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG theo phạm vi, nội dung, thời hạn do NHNN quyết định trong trường hợp cần thiết;
Kiến nghị NHNN xử lý hành vi vi phạm quy định pháp luật về tài chính ngân hàng và các quy định pháp luật khác liên quan đến nội dung kiểm tra do NHNN nước giao;
Yêu cầu tổ chức tham gia BHTG cung cấp thông tin tại tổ chức của mình về tiền gửi không được bảo hiểm, các khoản nợ của người được BHTG, thông tin khi có sự thay đổi về địa điểm giao dịch;
Tuyên truyền về hình ảnh, hoạt động của tổ chức BHTG;
Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về BHTG và các kiến thức có liên quan đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến chính sách.
Thứ tư, hoàn thiện quy định pháp luật để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém tại Việt Nam.
Theo đó, đề nghị bổ sung một chương tại Luật BHTG quy định cụ thể về việc BHTGVN tham gia xây dựng, thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt khi được cấp có thẩm quyền giao.
Thứ năm, hoàn thiện quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Theo đó, đề xuất sửa đổi thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo hướng sớm hơn để bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Cụ thể, sửa đổi theo hướng nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm NHNN có văn bản yêu cầu tổ chức BHTG thực hiện chi trả tiền bảo hiểm cho tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt không có khả năng phục hồi.
Thời gian tới, BHTGVN cho biết sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch của NHNN về xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG; đồng thời chủ động nghiên cứu, đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của BHTGVN trong quá trình tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.