Mua sim “rác” dễ dàng, nhanh chóng
Ghé vào một cửa hàng bán sim trên đường Nguyễn Trãi (Quận 5), chị N.V.A (22 tuổi, quận Gò Vấp) chỉ mất chừng 5 phút để mua hàng với những thủ tục đơn giản, đặc biệt là không phải qua thủ tục đăng ký khi mua.
"Tôi biết khi sử dụng sim phải đăng ký, nhưng xác định không dùng đến sim này lâu dài nên đó không phải vấn đề" - chị N.V.A nói.
Theo ghi nhận của Lao Động, không khó để có thể tìm thấy một cửa hàng bán sim giá rẻ ngay trên những tuyến đường chính, đông đúc người qua lại với quảng cáo thu hút như “sim 4G miễn phí lên mạng 49K", “sim giá rẻ", “sim số 3G & 4G",...

Trong vai người mua hàng đi mua sim giá rẻ tại một cửa hàng trên đường 3 tháng 2 (Quận 10), chúng tôi được người bán hướng dẫn nhiệt tình về cách thức mua sim nhanh chóng.
Khi PV hỏi về loại sim 4G của nhà mạng Vinaphone, người bán hàng nói: “Nếu mua sim 4G Vinaphone thì phải đăng ký. Sim của nhà mạng Vietnammobile không cần giấy tờ tùy thân để đăng ký, được kích hoạt sẵn, mua về dùng luôn".

Trên các trang thương mại điện tử, chỉ cần gõ từ khoá “sim giá rẻ", chưa đến 1 giây, người dùng đã có hàng trăm kết quả với nhiều loại sim, thậm chí có loại chỉ từ 5.000 đồng/cái.

Chúng tôi liên hệ với một cửa hàng chuyên cung cấp các loại sim giá rẻ với giá dao động từ 8.000 - 14.000 đồng/cái với mong muốn mua sim số lượng lớn thì người bán cho biết: “Bên chị có nhiều loại rẻ nhất 8.000 đồng, cao cấp nhất 14.000 đồng. Nếu bán lại cho khách thì mua mấy loại này. Tất cả đều là sim mới, nghe gọi được”.

Có chế tài xử phạt nhưng chưa đủ sức răn đe
Trao đổi với Lao Động về cơ chế xử phạt đối với các hành vi mua bán sim rác, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, việc xử lý các hành vi vi phạm về mua bán sim rác đã được quy định cụ thể tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Cụ thể, đối với hành vi bán, lưu thông tin trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho sim nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 30-40 triệu đồng.
Đối với người mua sim rác về sử dụng, ông Hùng cho biết, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 500.000 đồng về hành vi giả mạo, sử dụng giấy tờ của các cá nhân, tổ chức khác để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung hoặc không thực hiện việc giao kết lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sử dụng số thuê bao với doanh nghiệp viễn thông khi chuyển quyền sử dụng số thuê bao theo quy định.
"Trong thời gian đầu năm 2023, cả nước đã ghi nhận nhiều vụ lừa đảo qua mạng viễn thông. Đặc biệt trong số đó có nhiều vụ gọi điện cho người thân thông báo con đang cấp cứu trong bệnh viện, cần chuyển tiền gấp để phẫu thuật.
Đối với các đối tượng sử dụng sim rác để lừa đảo mà số tiền lừa đảo chưa tới mức xử lý hình sự thì chỉ bị phạt hành chính, còn nếu số tiền lừa đảo có tổ chức, trên 2 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - luật sư Trần Minh Hùng cho hay.