Hơn 15 năm làm ruộng vẫn chật vật, khó khăn
Ảnh hưởng đợt mưa bão vừa rồi khiến 0,5 ha đất ruộng của gia đình anh Trần Chí Công (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) bị đổ ngã, gây thất thoát lớn cho gia đình.
Anh Công cho biết: "Khoảng 1-2 tuần trước, mưa lớn kéo dài làm cả cánh đồng ngập nước, không kịp bơm thoát nước thì lúa đã đổ. Lúa đang trong giai đoạn làm đòng mà còn bị đổ ngã thì vụ lúa này coi như mất trắng".
Tại huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), một số hộ nông dân vẫn còn sản xuất lúa với quy mô nhỏ lẻ, tự phát nên khi thời tiết thay đổi, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến năng suất lúa sụt giảm, chưa kể đến việc bị thương lái ép giá.
Mặc dù giá lúa Hè Thu năm nay tăng đột biến (6.000 - 8.000 đồng/kg, tùy loại) nhưng nhiều nông dân vẫn không thể vui mừng vì năng suất lúa các năm trước vốn đã thấp, chỉ 700 - 800 kg/công, nay còn thất thoát do mưa bão, bị thương lái ép giá.
Theo anh Công, thu hoạch lúa bán cho thương lái của bà con vẫn còn tự phát, ai cho giá cao thì bán, nhưng phần lớn đều thấp hơn so với thị trường. "Trời mưa bão, lúa cắt xong phủ bạt để ngoài đồng. Gọi thương lái đến cân thì họ hẹn ngày này qua ngày khác, đợi lúa lên mầm thì bị ép hạ giá" - anh Công cho biết.
Đồng cảnh ngộ, vợ chồng anh Đặng Văn Nghĩa (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) vẫn đang chịu cảnh lấy công làm lời. "Giá vật tư nông nghiệp, phân thuốc liên tục tăng. Vụ này trừ đi mọi chi phí tôi cũng không đủ tiền trả cho đại lí" - anh Nghĩa nói.
Theo anh Nghĩa, vụ Đông Xuân vừa rồi, 1 ha đất của gia đình còn lãi được khoảng chục triệu đồng. Còn vụ Hè Thu năm nay, anh nhẩm tính đến khi thu hoạch không tới nổi 700 kg/công.
Mặc dù làm ruộng hơn 15 năm nay nhưng cuộc sống gia đình anh Nghĩa vẫn chật vật, khó khăn. Theo anh Nghĩa mỗi khi gieo sạ được 3 - 5 tuần thì nhiều hộ ở đây đã nhận cọc giá lúa, bán sớm cho thương lái để có tiền xoay sở trước.
Theo người dân địa phương tại một số tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Kiên Giang,... thời điểm đang xuống giống vụ lúa Hè Thu, lúa trên thị trường có giá khoảng 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do nhận cọc tiền lúa trước đó nên đến lúc thu hoạch, giá lúa tăng, người vui mừng lại chính là thương lái.
Cần có giải pháp căn cơ, bền vững
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chưa thoát khỏi điểm nghẽn “đất đai manh mún, quy mô nhỏ lẻ, sản xuất tự phát”.
Bên cạnh đó, thu nhập của nông dân còn thấp do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều, chưa phát huy các giá trị tiềm năng của sản phẩm lúa gạo. Còn thiếu các vùng chuyên canh lúa quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác giữa người trồng lúa với hợp tác xã và doanh nghiệp.
Nhằm cải thiện đời sống của nông dân, thời gian qua một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đã thành lập hợp tác xã sản xuất với quy mô lớn, liên kết tiêu thụ lúa gạo với doanh nghiệp lâu dài.
Tại các tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng,... nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật, liên kết hợp tác mà nông dân ra đồng đã trở nên nhàn nhã, không còn lo thương lái ép giá khi tới mùa, giảm chi chí ở tất cả các khâu, năng suất và chất lượng lúa được cải thiện.
Để giải quyết bài toán này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long" nhằm hướng đến mục tiêu tổ chức lại sản xuất, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.
Theo đó, sẽ đặt ra mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn; tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, dần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung,... Dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt 719.000 ha lúa chất lượng cao gắn tăng trưởng xanh và đến năm 2030 đạt hơn 1 triệu héc-ta.