Những nhà đầu tư "mới tinh"
Mới đây nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư Điện Biên vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng kí thực hiện dự án Khu dân cư, dịch vụ thương mại tại xã Thanh Hưng, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (Khu A). Nhà đầu tư duy nhất đăng kí là CTCP Danco Land.
Được biết, dự án trên có quy mô dân số khoảng 6.000 người, diện tích thực hiện khoảng 70,1 ha. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 1.718 tỉ đồng.
CTCP Danco Land - nhà đầu tư duy nhất đăng kí làm dự án Khu dân cư, dịch vụ thương mại tại xã Thanh Hưng, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (Khu A) chỉ mới thành lập 5 tháng, vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 50 tỉ đồng.
Cũng trong tháng 5.2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An vừa công bố kết quả đăng kí thực hiện dự án Khu đô thị và thương mại dịch vụ tại vùng Cồn Bàu, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn.
Theo đó, Công ty Cổ phần Teelhomes (Teelhomes) là nhà đầu tư đăng kí thực hiện dự án hơn 2.000 tỉ đồng tại Cồn Bàu, Nghệ An.
Được biết, Teelhomes được thành lập vào tháng 3.2022, có địa chỉ trụ sở chính tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An với vốn điều lệ ban đầu đạt 500 tỉ đồng. Như vậy, đến nay, doanh nghiệp này mới được thành lập hơn 1 năm.
Trước đó, hồi tháng 4.2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng kí thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Liêm Tiết - Liêm Cần (PL-ĐT05.22-2). Theo đó, nhà đầu tư duy nhất quan tâm nộp hồ sơ đăng kí dự án là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Maison.
Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Liêm Tiết - Liêm Cần có tổng mức đầu tư dự kiến 2.105 tỉ đồng, trong đó, sơ bộ tổng chi phí thực hiện là 1.993,1 tỉ đồng. Tập đoàn Đầu tư Maison được thành lập tháng 2.2023. Vốn chủ sở hữu của tập đoàn này là 350 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập gồm, ông Lê Huy Hoàng góp 28,57%, ông Hoàng Văn Nghĩa góp 28,57% và bà Vũ Thị Sâm góp 42,86% còn lại.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Trao đổi với Lao Động xung quanh câu chuyện này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - nhận định, việc nhiều công ty mới thành lập muốn thực hiện dự án lớn tại các tỉnh tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện dự án, nguy hiểm cho quá trình phát triển của địa phương đó và thậm chí là nền kinh tế quốc gia.
Thứ nhất, các doanh nghiệp này chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án nào. Thêm vào đó, đây có thể là doanh nghiệp sân sau của một nhóm lợi ích thành lập ra để nhảy vào đăng kí làm dự án mà địa phương đứng ra kêu gọi.
“Trường hợp nếu như công ty này là sân sau của một nhóm lợi ích thì câu chuyện lại càng đáng bàn hơn, bởi có thể xuất hiện những móc ngoặc, tham nhũng, hình thành các doanh nghiệp sân sau để tham gia đấu thầu, giữ đất…” - ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Theo ông Thịnh, trên thực tế từ trước đến nay đã có trường hợp các dự án do nhiều địa phương đứng ra kêu gọi đầu tư, nhưng chưa thể hoàn thành theo tiến độ, điều này dẫn đến nhiều hệ luỵ.
Những công trình mà địa phương kêu gọi đầu tư đã có vị trí nhất định trong chuỗi các dự án nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khi không thực hiện được bởi những doanh nghiệp không có năng lực, sẽ gây đứt gãy trong đề án phát triển đã định hình trước đó.
“Đối với cả quốc gia, việc dự án địa phương không hoàn thành, có thể kéo năng lực phát triển, sản xuất của cả tỉnh đi xuống. Do vậy, cần có cái nhìn khắt khe hơn, cẩn trọng hơn đối với những nhà đầu tư muốn làm các dự án trọng điểm, có quy mô ở các tỉnh, bởi không đong đếm được nếu dự án không thể hoàn thiện theo kế hoạch đã đề ra” - ông Thịnh cho hay.