Phân vùng kinh tế trọng điểm, tập trung phát triển vùng lõi
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch ở cấp cao nhất theo quy định của Luật Quy hoạch và lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, là nhiệm vụ khó, chưa có tiền lệ. Đồng thời, đây là bước cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, tập trung vào việc phân bổ các tổ chức, các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường...; là cơ sở để triển khai các quy hoạch khác như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, địa phương...
Trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch và triển khai lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm, tư tưởng chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.
Trong giai đoạn đến năm 2030, do nguồn lực phát triển có hạn, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các lãnh thổ khác cùng phát triển; cụ thể là tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.
Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm, tập trung phát triển vùng lõi và cực tăng trưởng. Cụ thể, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi là Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó, thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào vùng lõi là tứ giác TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó TPHCM là cực tăng trưởng...
Quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông; một số hành lang kinh tế Đông – Tây như Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Mộc Bài - TPHCM - Vũng Tàu; Hành lang Đông Tây: Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng...
Tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc và Malaysia
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ KHĐT đã tham khảo nhiều kinh nghiệm quốc tế, trong đó có cử các đoàn cán bộ sang Malaysia và Hàn Quốc – hai nước có nhiều điều kiện tương đồng và mức độ phát triển cao hơn trong khu vực – để tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức lập và nội dung quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng ở các nước trên.
Quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam cũng đã nghiên cứu tham khảo, ứng dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc và Malaysia để xác định không gian phát triển đất nước gắn với hình thành các trục, hành lang phát triển, phân vùng kinh tế và định hướng bố trí không gian các ngành, lĩnh vực.
Sáng 16.8.2022, tại Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đối với Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ KHĐT tổ chức, các chuyên gia của WB đánh giá cao bản báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam, mặc dù là lần đầu tiên được xây dựng.