Cụ thể, Quảng Ninh đạt 73,40 điểm trên thang điểm 100, tăng 3,04 điểm so với năm 2018. Sau Quảng Ninh là Đồng Tháp 72,10 điểm, Vĩnh Long 71,30 điểm, Bắc Ninh 70,79 điểm. Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 bao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội, Hải Phòng. Vị trí cuối bảng không có thay đổi nhiều so với năm trước, lần lượt từ cuối bảng lên là Lai Châu, Đắk Nông, Bình Phước, Hà Giang, Bắc Kạn...
Như vậy, Quảng Ninh đã duy trì 3 năm liên tiếp xếp ở vị trí quán quân và 7 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Phát biểu sau khi nhập cup quán quân PCI năm 2019, ông Nguyễn Văn Thắng –Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – cho biết, việc triển khai sáng kiến PCI một cách bản bản, khoa học đã giúp lãnh đạo các tỉnh xác định những điểm nghẽn trong điều hành kinh tế cũng như lựa chọn những giải pháp phù hợp để tiến hành cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả. Quảng Ninh luôn xác định việc nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Trên cơ sở đó, tỉnh đã không ngừng nỗ lực, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh, duy trì, cải thiện sức cạnh tranh.
Để đẩy mạnh thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào phát triển KT-XH bền vững, Quảng Ninh thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tái cơ cấu chi tiêu công, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển để tạo vốn mồi; thực hiện 3 đột phá chiến lược, đặc biệt là ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để giúp giảm chi phí sản xuất; đa dạng hóa các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia hợp tác.
Đây là năm thứ 15 liên tiếp VCCI công bố Bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Báo cáo PCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại 21 địa phương tại Việt Nam. Đây là cuộc điều tra lấy mẫu ngẫu nhiên, được thực hiện bài bản, khoa học theo các chuẩn mực cao của thế giới, phản ánh đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên báo cáo phân tích về xu hướng tự động hóa và số hoá trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới...