Phát triển thẻ tín dụng nội địa hướng tới tài chính toàn diện

Nhóm PV |

Tại Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam", các chuyên gia, khách mời nêu bật các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử. Trong đó, gồm phát triển hạ tầng chấp nhận thanh toán (thẻ, QR Code...) và phát triển thẻ tín dụng nội địa nhằm góp phần triển khai chiến lược quốc gia của Việt Nam về thúc đẩy tài chính toàn diện, thanh toán không dùng tiền mặt và góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

15h40:

Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao Động cho biết hội thảo đã diễn ra thành công, đáp ứng các tiêu chí ban tổ chức đề ra.  Đồng thời, buổi hội thảo đã có những tham luận chất lượng đến từ các diễn giả.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao Động phát biểu bế mạc hội thảo. Ảnh Tô Thế
Ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao Động phát biểu bế mạc hội thảo. Ảnh Tô Thế

"Thay mặt ban tổ chức tôi xin cảm ơn ông Phạm Tiến Dũng – Phó Thống đốc NHNN; ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch HĐQT NAPAS và các diễn giả, quý vị đã tham dự buổi hội thảo. Kính chúc quý vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc và thành công." ông Hiển nói.

15h34

Trả lời câu hỏi của chủ toạ hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết chúng ta có thể thấy, để phát triển thẻ tín dụng nội địa, không chỉ có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà chúng ta còn có sự phối hợp với các đơn vị phát hành thẻ, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là người sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

 
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội  chia sẻ ý kiến.

Thứ nhất chúng ta cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý. Đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta phát triển thị trường lành mạnh.

Được biết NHNN cũng có nhiều cơ chế chính sách. Đến thời điểm hiện tại cơ chế chính sách của chúng ta về cơ bản đã hoàn thiện đầy đủ và tiệm cận với quốc tế. Tôi nghĩ thời gian tới, NHNN cần có các giải pháp phù hợp khuyến khích người dân có thể sử dụng thẻ tín dụng nội địa. Bởi ngoài lợi ích, thẻ tín dụng nội địa còn là thương hiệu quốc gia.

Chúng ta cần phải đánh giá về thị trường những câu chuyện mà các đại biểu tham luận ngày hôm nay, nổi bật lên thực trạng thẻ tín dụng nội địa. Chúng ta mới có chỉ 1 triệu thẻ, so với dân số 100 triệu dân, đây là tiềm năng rất lớn, chúng ta còn rất nhiều không gian để khai thác.

 
Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam" tổ chức chiều 15.9.

Hi vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ có chính sách phù hợp  để phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa theo hướng đi đúng. Tôi tin rằng, các tổ chức tín dụng sẽ lựa chọn các hướng đi phù hợp, làm sao để có thể khuyến khích tiêu dùng trong nước sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

Ông Tuấn Anh nhấn mạnh: “Chúng ta cần có sự liên kết để trong tương lai người tiêu dùng có thể sử dụng thẻ tín dụng nội địa được cả trong và ngoài nước”.

Ông Tuấn Anh cũng trăn trở về thực tiễn liên quan đến công nghệ mới, ứng dụng mới có nhiều rủi ro cũng tiềm ẩn. “Chúng ta cũng cần có chính sách làm sao cho phù hợp. Chính vì thế, cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế để bảo vệ cho quyền lợi cho người sử dụng thẻ, tránh lừa đảo qua mạng, sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản của người sử dụng thẻ.

Trên thực tế, chúng ta chủ yếu đang phát triển rất tốt thẻ tín dụng ở thành thị, thế nhưng ở thị trường nông thôn vẫn còn rất ít. Rõ ràng, chúng ta cần hướng đến việc phổ cập kiến thức tài chính, cơ chế cho sâu rộng người dân”  ông Tuấn Anh phát biểu.

Cuối cùng ông Tuấn Anh đề nghị NHNN mạnh dạn nghiên cứu một hướng mới.

“Việc phát hành thẻ tín dụng nội địa có chi phí rất cao, cho nên người sử dụng thẻ tín dụng nội địa thông thường đang phải chịu mức lãi suất rất cao. Chúng ta cũng mạnh dạn nghĩ đến một hướng mới để phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa trong nước. Chúng ta có nên chấp nhận ưu đãi cho người sử dụng thẻ nếu như khách hàng sẵn sàng mở thẻ, chúng ta được một cơ chế ưu đãi về lãi suất tín dụng thấp hơn so với mức lãi suất cho các khoản tiếp cận tín dụng và cho các khoản cho vay tín dụng thông thường.

Thực tế, nếu chúng ta giải quyết bộ hồ sơ cho vay cá nhân để tiêu dùng thì chúng ta cũng tốn chi phí để tiếp cận, giải quyết thẩm định hồ sơ. Hiện nay với việc phát hành thẻ tín dụng nội địa và ứng dụng mới như hiện này thì hoàn toàn có thể tận dụng để giảm thiểu chi phí. Vì vậy, không có lý do gì để chúng ta không cố gắng khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa bằng cách sử dụng công cụ lãi suất, trong đó công cụ lãi suất cho vay ưu đãi” - ông Tuấn Anh lý giải.

15h28:

Bà Phan Thị Thanh Nhàn – Giám đốc Trung tâm thẻ của Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển BIDV cho biết hiện BIDV là 1 trong Big 4, 4 ngân hàng có mạng lưới chấp nhận thanh toán lớn nhất thị trường. Chính sách của BIDV tương đối mở, các doanh nghiệp hộ kinh doanh có giấy phép kinh doanh sẽ được đăng ký dịch vụ chấp nhận thanh toán. Thực tế nếu không mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán sẽ không có “đất” để quẹt thẻ.

 
Bà Phan Thị Thanh Nhàn – Giám đốc Trung tâm thẻ của Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển BIDV chia sẻ ý kiến.

“BIDV cung cấp dịch vụ chấp nhận thanh toán thông qua quy mô, tính năng dưới các hình thức như POS, QR Code, tích hợp sâu… phù hợp với từng đối tượng. Hiện nay, dù có nhiều tiềm năng nhưng các ngân hàng cũng gặp khá nhiều khó khăn khi triển khai. Chi phí để đầu tư máy POS rất cao, trung bình lên đến 7 – 8 triệu đồng. Không phải ngân hàng nào cũng đủ chi phí để đầu tư miễn phí cho toàn bộ khách hàng. Ngoài ra, không phải đơn vị thanh toán nào cũng chấp nhận trả phí. Đồng thời, sự cạnh tranh của các ngân hàng ở các trung tâm thương mại rất cao” – bà Nhàn cho hay.

15h23:

Trả lời câu hỏi của Phó Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước - chủ toạ Hội thảo, bà Phan Thị Thanh Hà - Giám đốc TT Thẻ Agribank cho biết sản phẩm thẻ Lộc Việt của Agribank có nhiều ưu đãi rất là vượt bậc so với sản phẩm thẻ quốc tế mà chúng tôi phát hành cho khách hàng.

Thời gian ân hạn là 55 ngày. Tức là khách hàng nếu sử dụng để thanh toán hàng hoá dịch vụ, mà khách hàng thanh toán trước đó thì khách hàng không phải trả bất kỳ khoản lãi nào. Sau 55 ngày đó nếu khách hàng chưa thanh toán hoặc mới chỉ thanh toán một phần thì khi đó lãi mới tính trên phần dư nợ còn lại, tính từ ngày khách hàng mua hàng.

Hiện nay toàn bộ phí phát hành và phí thường niên ngân hàng chúng tôi hoàn toàn miễn vì hiện khách hàng mục tiêu của Agribank là đối tượng khách hàng yếu thế (khách hàng ở địa bàn nông nghiệp - thôn, đối tượng khách hàng được trả lượng, HSSV và khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện).

Bà Phan Thị Thanh Hà - Giám đốc TT Thẻ Agribank trả lời câu hỏi của chủ toạ hội thảo.
Bà Phan Thị Thanh Hà - Giám đốc TT Thẻ Agribank trả lời câu hỏi của chủ toạ hội thảo.

Cái thị phần của thẻ tín dụng quốc tế của Agribank rất khiêm tốn so với tiềm năng, nhưng chúng tôi cũng xác định thẻ Lộc Việt là sản phẩm chủ lực của Agribank trong thời gian tới. Hiện nay đối với khách hàng trả lương thì chúng tôi cũng hướng khách hàng sang sử dụng sản phẩm thẻ này.

15h15:

Giải pháp của Sacombank để mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán

Ông Nguyễn Minh Tâm – Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết điểm chấp nhận thanh toán là điểm cuối cùng kết nối phương tiện thanh toán và nhu cầu tiêu dùng. Sacombank rất quan tâm đến chấp nhận thanh toán qua POS. Mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán cần có chiến lược lâu dài vì đầu tư chi phí, con người, hệ thống rất lớn. Gần như các ngân hàng hoạt động không hiệu quả ở mảng này trong thời gian dài cho thị trường thanh toán thẻ ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Tâm – Phó Tổng giám đốc Sacombank phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Minh Tâm – Phó Tổng giám đốc Sacombank phát biểu tại hội thảo.

“Từ năm 2004, Sacombank đã phát triển hệ thống thanh toán qua POS. Năm 2008, Sacombank đã phát triển cổng thanh toán để giao dịch thanh toán online. Sacombank phát triển hơn 195.000 máy POS, chiếm hơn 45% thị phần. Đối tác giao dịch điện tử của Sacombank chủ yếu kết nối với khoảng 165 công ty Fintech, trang thương mại điện tử, cổng thanh toán về y tế, trường học…

Doanh số thanh toán trung bình hiện nay của Sacombank đạt 500 tỉ đồng/ngày. Số lượng giao dịch đạt 3.000 giao dịch/phút. Những con số này cho thấy nhu cầu thị trường rất lớn. Cần có sự đồng hành của nhiều thành phần trong hệ sinh thái, vì vậy Sacombank kết nối, đồng hành ngay từ khi các công ty Fintech thành lập. Đồng hành, thấu hiểu nhau là những yếu tố Sacombank xác định từ đầu khi cùng nhau hợp tác. Bên cạnh đó, Sacombank đưa ra mức giá phù hợp linh hoạt với các đối tượng” – ông Tâm nói.

Ông Nguyễn Minh Tâm cho biết Sacombank rất quan tâm phát triển tính năng trên POS. Ngoài ra, Sacombank cũng quan tâm đến những yêu cầu về bảo mật, cam kết thanh toán ở mức an toàn nhất. Trong tương lai Sacombank tiếp tục phát triển đến các điểm từ hệ thống phòng giao dịch và mở rộng thêm các dịch vụ tiện ích cho người dùng trên máy POS. Hiện nay có sự bất đối xứng khi số lượng máy POS phục vụ có tỉ lệ thấp so với người dân. Thị trường Việt Nam nhận được sự quan tâm của các công ty quốc tế. Chính vì vậy, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần phát triển thanh toán thông qua các điểm tiếp nhận.

14h55:

Giải pháp phát triển thẻ tín dụng nội địa cho tín dụng tiêu dùng

Mở đầu phần tham luận về giải pháp phát triển Thẻ tín dụng nội địa cho tín dụng tiêu dùng, ông Lê Phương Hải – Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) cho biết: Số liệu từ FiinGroup cho thấy, tỷ trọng thẻ tín dụng trong cho vay tiêu dùng ở cả khối ngân hàng và khối công ty tài chính đều tăng trong các năm gần đây, tuy nhiên đều không vượt quá 10%. Đáng chú ý trong nhóm thẻ tín dụng, thẻ tín dụng nội địa chỉ chiếm vỏn vẹn tỷ trọng 5,5% dư nợ.

 
Ông Lê Phương Hải – Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) phát biểu tại hội thảo.

Tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa là rất lớn. Nói cách khác, phát triển thẻ tín dụng nội địa rất có khả năng trở thành chủ lực trong tín dụng tiêu dùng những năm tới.

Chia sẻ về các giải pháp phát triển thẻ tín dụng nội địa, ông Hải cho rằng, VietCredit đang hướng tới các khách hàng cá nhân là công nhân, người dân ở vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, với mô hình phát hành thẻ tín dụng truyền thống, người sử dụng và tổ chức phát hành phải gặp gỡ. Điều này có một số trở ngại về thời gian và khoảng cách địa lý. Khách hàng không ở trung tâm khó tiếp cận địa điểm phát hành. Nhân viên của ngân hàng, công ty tài chính làm việc giờ hành chính khó tiếp cận công nhân do thời gian của họ thì khách hàng cũng đang ở ca sản xuất trong nhà máy.

Ông Hải cho rằng, khi phát hành thẻ tín dụng nội địa trực tuyến thì nguy cơ lớn nhất đối với tổ chức phát hành là gian lận định danh. Sự phát triển của công nghệ cùng với việc chuẩn hóa cơ sở dữ liệu căn cước công dân đã và đang góp phần đẩy lùi rủi ro này.

Cuối cùng phát triển thẻ tín dụng nội địa chỉ thành công khi khả năng quản lý và thu hồi nợ xấu của các tổ chức phát hành có sự phát triển đột phá. Các tổ chức phát hành có rất nhiều giải pháp cho nhóm khách hàng hợp tác khi họ gặp khó khăn trong thanh toán thẻ tín dụng, nhưng chưa có phương án tối ưu đối với khách hàng không hợp tác ngoài thực hiện tiến trình khởi kiện.

Ông Hải cho biết: Đối với khối ngân hàng, khó khăn chủ yếu trong chính sách tín dụng, vốn được xây dựng cho nhóm khách hàng truyền thống, có thu nhập trung bình và cao. Xây dựng một chính sách tín dụng và phương thức tiếp cận khách hàng dành riêng cho thẻ tín dụng nội địa không phải không khả thi, nhưng sẽ rất tốn chi phí so với doanh thu mà danh mục thẻ tín dụng nội địa mang lại. “Chúng tôi có thể phát hành được 500 nghìn thẻ TDNĐ trong vòng 6 tháng nếu có được sự hợp tác với các ngân hàng” – ông Hải nói.

Ông Hải cho biết, dư địa phát triển thẻ tín dụng nội địa thông qua việc hợp tác với các sàn TMĐT là rất lớn.

Dù thương mại điện tử phát triển mạnh trong những năm gần đây, đột phá trong và sau COVID-19, nhưng thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng (cash-on-delivery) vẫn chiếm tới trên 80%. Khi giao hàng, người mua có thể chuyển khoản cho người giao hàng thay vì đưa tiền mặt nhưng ở phương thức thanh toán này, tỷ lệ bỏ đơn hàng cũng rất cao (tỷ lệ drop) làm gia tăng chi phí cho các bên cung ứng. Các lãnh đạo sàn thương mại điện tử cho biết, người tiêu dùng ngại thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế vốn có hạn mức cao do lo ngại về an toàn, bảo mật.

Về mặt truyền thông, ông Hải cho rằng, khi nói tới Visa, Mastercard, người tiêu dùng nghĩ ngay đến thẻ tín dụng. Nhưng nhắc tới NAPAS, vốn tiền thân là công ty chuyển mạch tài chính, hình dung đến thẻ thanh toán và dịch vụ chuyển tiền nhanh Napas 247 nhiều hơn và gần đây là mã QR (VietQR). Như vậy, phần đông công chúng vẫn còn đang chưa phân biệt được thẻ tín dụng nội địa là một sản phẩm độc lập, mang yếu tố quốc gia. Việc sử dụng khá phức tạp và có phần rủi ro lớn đối với người dùng phổ thông của thẻ tín dụng quốc tế lan sang thẻ tín dụng nội địa vốn không mang các đặc trưng này. Do đó, tăng cường truyền thông về thẻ tín dụng nội địa xoay quanh các yếu tố đặc trưng của sản phẩm tạo điều kiện để mở rộng thị trường và đến một lúc nào đó sẽ có bước đột phá.

14h45:

Thẻ tín dụng nội địa với những ưu thế vượt trội còn nhiều dư địa phát triển

Ông Lê Hồng Phúc – Phó Tổng giám đốc Agribank- cho biết, ngành ngân hàng luôn tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, các ngân hàng thương mại nói chung và Agribank nói riêng đang tập trung dành ưu tiên đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thông tin phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

 
Ông Lê Hồng Phúc – Phó Tổng giám đốc Agribank chia sẻ ý kiến.

Trong suốt những năm qua Agribank luôn tự hào đã tham gia và đóng góp tích cực, hiệu quả trong đẩy mạnh triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN. Đến nay Agribank được đánh giá là ngân hàng tiên phong chủ lực trong đầu tư và cung ứng dịch vụ thẻ, dịch vụ ATM tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người dân không chỉ địa bàn đô thị mà cả khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Mặc dù thanh toán thẻ nói riêng, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng sự bùng nổ này phần lớn tập trung ở khu vực thành thị. Trong khi đó, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa với 90% giao dịch là tiền mặt còn nhiều tiềm năng và bỏ ngỏ. Hệ thống chấp nhận thanh toán thẻ như mạng lưới POS còn khá mỏng, sự phát triển còn hạn chế trong khi người dân vẫn còn e ngại tính an toàn của công nghệ thanh toán mới là rào cản đối với việc mở rộng, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực này.

Theo ông Phúc, khách hàng khi nói đến thẻ tín dụng, thường sẽ nghĩ ngay đến thẻ tín dụng quốc tế. Tuy nhiên, thẻ tín dụng quốc tế trên thị trường thường có nhiều khoản phí, do đó khả năng tiếp cận của khách hàng thấp. Thông thường chủ yếu là khách hàng có thu nhập khá trở lên, có nhu cầu mua sắm, đi lại ở nước ngoài hoặc nhu cầu chi tiêu ở mức trung bình trở lên. Trong khi đó, Việt Nam với gần 63 triệu người dân ở địa bàn nông thôn là thị trường tiềm năng cho việc phát triển các sản phẩm thẻ thanh toán. Thực tế cho thấy, khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường thẻ ngân hàng có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt sau đại dịch COVID-19, mức độ phổ cập của các hình thức thanh toán hiện đại, trong đó có thẻ tín dụng càng trở nên phổ biến. Một số liệu so sánh cho thấy khi, chỉ hơn 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ tín dụng quốc tế. Còn các quốc gia lân cận như Thái Lan, con số này là 10%, Malaysia 21%, Trung Quốc 21%, Singapore 49%, Đài Loan 54%, Nhật Bản 68%... Như vậy, thị trường thẻ tín dụng, đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa với những ưu thế vượt trội còn nhiều dư địa phát triển.

“Chính vì thế, thời gian qua để đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa, Agribank đã phát triển mở rộng sản phẩm thẻ chip hai ứng dụng theo chuẩn VCCS - Lộc Việt, đây là sản phẩm phát huy được tối đa thế mạnh công nghệ của sản phẩm thẻ chip nội địa. Chúng tôi đã tích hợp thành công hai ứng dụng thẻ ghi nợ và tín dụng trên cùng một con chip giúp tiết giảm chi phí phôi thẻ và giúp khách hàng chủ động, linh hoạt trong việc thanh toán mà không phải cầm theo quá nhiều thẻ. Một điểm đặc biệt nữa là bằng việc đơn giản hóa tối đa thủ tục cấp tín dụng, tăng thời gian ân hạn cũng như kéo dài kỳ hạn trả nợ cho khách hàng chúng tôi tin tưởng rằng khách hàng là bà con nông dân, học sinh, sinh viên các trường Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp… sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn chính thức với chi phí hợp lý” - đại diện Agribank chia sẻ.

 

Mục tiêu phát triển sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hướng tới để phục vụ đa số người dân, hướng đến tài chính tài diện. Ông Phúc nhấn mạnh so với thẻ tín dụng quốc tế các điều kiện về hạn mức, thủ tục, các loại phí...  người dân dễ dàng tiếp cận hơn. Đây cũng là kênh tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho tiêu dùng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, người dân vùng sâu vùng xa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Hơn thế, còn góp phần quan trọng đưa thanh toán không dùng tiền mặt với phương thức hiện đại đến gần hơn với người dân.

Với đặc thù và ưu thế về mạng lưới, nền tảng thanh toán thẻ và hạ tầng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thanh toán chạm nhanh chóng, an toàn và bảo mật, Agribank có trách nghiệm cùng các ngân hàng khác đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam. Do vậy, phía ngân hàng đã có sự quan tâm, đầu tư các giải pháp đồng bộ như:

Thẻ tín dụng nội địa cần được nâng cao cả về chất lượng dịch vụ và tiện ích gia tăng, trong đó đặc biệt chú ý đến đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, quyền lợi hợp pháp của người dùng và ngân hàng trong sử dụng dịch vụ.

Đảm bảo sự phát triển thẻ tín dụng nội địa về mặt số lượng đi đôi với chất lượng. Trong đó, không nên chỉ chạy theo số lượng thẻ phát hành mà cần tập trung tạo ra giá trị sử dụng cho thẻ tín dụng, khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ. Để làm được điều này, cần nắm bắt nhu cầu sử dụng của khách hàng, triển khai nhiều chương trình khuyến mại và chăm sóc khách hàng, đồng thời cần tạo ra trải nghiệm tốt khi dùng sản phẩm cũng như khai thác hiệu quả tiện ích của thẻ tín dụng, tạo sự thuận tiện, an tâm cho khách hàng thanh toán thẻ.

Xây dựng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ đa dạng, hiện đại phù hợp với xu thế với nhiều hình thức thanh toán và đặc biệt dễ dàng tiếp cận để đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng. Đây được coi là mắt xích quan trọng giúp sản phẩm thẻ tín dụng phát huy tốt nhất ưu điểm là phương thức thanh toán không dùng tiền mặt an toán, nhanh chóng và thuận tiện.

Ông Phúc đánh giá: “Thị trường còn nhiều tiềm năng, phân khúc khách hàng lớn, sản phẩm ưu điểm vượt trội tuy nhiên việc phát triển thẻ tín dụng nội địa chưa phát triển mạnh mẽ tương xứng và còn hạn chế so với thẻ tín dụng quốc tế”.

Để đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa trong thời gian tới, ông Phúc đề xuất cần đẩy mạnh một số giải pháp sau:

Thứ nhất, công tác truyền thông, tuyên truyền trong xã hội về sản phẩm thẻ tín dụng nội địa cần được đẩy mạnh. Trong đó tập trung những ưu điểm, tính năng vượt trội, phương thức thanh toán an toàn bảo mật… Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về sự phối hợp của khách hàng trong hạn chế rủi ro, bảo mật thanh toán điện tử nói chung, thanh toán thẻ nói riêng. Qua đó, tạo được niềm tin và sự an tâm của khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng nội địa,

Thứ hai, cần có sự phối hợp giữa NAPAS và các bộ, ngành trung ương mở rộng mạng lưới thanh toán thẻ nội địa, tạo hệ sinh thái thanh toán thẻ, gia tăng tính năng, tiện ích cho khách hàng sử dụng cũng như góp phần số hóa dịch vụ công như giáo dục, y tế...

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ ngành cần có hệ thống thông tin cá nhân điện tử đầy đủ, chính xác, được cập nhật liên tục qua đó các tổ chức phát hành thẻ có thể dễ dàng và thuận tiện trong việc truy cập, lấy thông tin để đánh giá và cấp tín dụng cho khách hàng.

Thứ tư, luật hoá hoạt động thanh toán thẻ bằng cách bắt buộc tất cả các cửa hàng kinh doanh đều phải chấp nhận thanh toán thẻ. Áp dụng chính sách khấu trừ thuế đối với các khoản chi tiêu thanh toán bằng thẻ tín dụng.

14h23:

Cung cấp giải pháp phát triển tín dụng bán lẻ tại Việt Nam 

Ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó Tổng giám đốc NAPAS cho biết trong giai đoạn 2021 – 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 86% về số lượng giao dịch không dùng tiền mặt và 31% về giá trị giao dịch không dùng tiền mặt. Thông qua số liệu trên cho thấy các giá trị nhỏ đã được sử dụng nhiều hơn thông qua giao dịch điện tử. Giao dịch điện tử không dùng tiền mặt đã phổ cập, được nhiều người dân sử dụng ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2022.

 
Ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó Tổng giám đốc NAPAS phát biểu tại hội thảo.

“Sau giai đoạn dịch COVID-19 phải giữ khoảng cách, thanh toán không tiếp xúc thì thanh toán qua QR Code và thanh toán bằng thẻ đã trở nên phổ biến hơn. Đồng thời hình thức thanh toán mua trước trả sau, thanh toán qua thẻ tín dụng cũng trở nên phổ cập. Internet và điện thoại thông minh phát triển đã thúc đẩy hình thức sử dụng điện thoại thanh toán ở Việt Nam. Việt Nam có dân số hơn 100 triệu người là thị trường tiềm năng để phát triển. Trên thế giới có công nghệ và sản phẩm thanh toán nào thì ở Việt Nam cũng đã có. Sau giai đoạn COVID-19, sự ứng dụng và đổi mới về công nghệ diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, hạ tầng thanh toán chưa đồng bộ” - ông Hùng nhấn mạnh.

Phó Tổng giám đốc NAPAS cho biết thời gian qua thẻ tín dụng ở Việt Nam có sự phát triển từ “không đến có”. Đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa phát triển mạnh mẽ khi có sự tham gia của 15 ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

“Sản phẩm thẻ NAPAS phối hợp các ngân hàng thực hiện ở Việt Nam cung cấp đầy đủ bộ tín dụng thẻ: thẻ ghi nợ, thẻ trả trước, thẻ tín dụng góp phần khuyến khích chi tiêu bằng thẻ, giúp tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này giúp đa dạng hoá, đáp ứng nhu cầu các phân khúc khách hàng khác nhau. Thẻ tín dụng nội địa NAPAS được phát hành bởi NHNN, tuân thủ công nghệ EMV đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất về an toàn bảo mật. Đầy đủ về công nghệ hỗ trợ cho thẻ tiếp xúc và không tiếp xúc. Thẻ tín dụng quốc tế yêu cầu nhiều điều kiện để được cấp thẻ cho người dân.

Tuy nhiên, thẻ tín dụng nội địa có những chính sách phù hợp với đa số người dân. Ví dụ, khách hàng có thu nhập từ 4,5 triệu đồng/tháng. Thẻ tín dụng nội địa có độ an toàn, bảo mật nhờ việc lưu trữ thông tin thẻ trên con chíp tiêu chuẩn EMV. Thẻ tín dụng nội địa được thanh toán đa dạng như thanh toán khi tham gia giao thông, siêu thị. NAPAS mong muốn ứng dụng công nghệ mới, số hoá thẻ tín dụng nội địa vật lý đưa lên điện thoại di động và nhúng vào các thiết bị như vòng đeo tay, đồng hồ. Từ đó mang lại tiện ích cho người dùng” – ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, NAPAS đang phối hợp với các tổ chức thẻ quốc tế triển khai thẻ đồng thương hiệu, phục vụ tệp khách hàng có nhu cầu chi tiêu trong nước và quốc tế. Sử dụng thẻ đồng thương hiệu, người dân có thể thực hiện giao dịch trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.

“Trước đây nếu muốn chấp nhận thanh toán thẻ, phải đầu tư thiết bị đầu cuối sẽ mất nhiều chi phí cho ngân hàng. NAPAS phối hợp phát triển công nghệ “tap to phone” - biến điện thoại chạy trên nền tảng Android, chấp nhận thanh toán thẻ không qua tiếp xúc. Giải pháp này hướng đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ không có điều kiện đầu tư mua thiết bị. Ngoài ra, NAPAS phát triển thanh toán qua VietQR. Với VietQR không chỉ thanh toán 24/7 mà còn thanh toán qua NAPAS VietQR. Hiện nay thanh toán QR, Account to account payment đang trên đà tăng trưởng. Tuy nhiên thanh toán bằng thẻ vẫn đang phổ biến và không thể thay thế hoàn toàn” – ông Hùng khẳng định.

14h15:

Phát biểu trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng vụ Thanh toán, NHNN Việt Nam đánh giá, thời gian qua thẻ tín dụng tại Việt Nam phát triển nhanh chóng, trong đó thẻ Tín dụng nội địa có bước phát triển đáng kể.

 
Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng vụ Thanh Toán, NHNN Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh Tô Thế

Hiện nay, tính đến hết tháng 7.2023, Việt Nam có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7.2023 đạt trên 811,4 nghìn thẻ (tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2022).

Mức độ tăng trưởng bình quân là 29,6%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm.

Đánh giá về các lợi ích, tiềm năng phát triển của thẻ tín dụng nội địa trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết bên cạnh các tính năng của thẻ tín dụng thông thường, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Có thể kể ra như: thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp; qua đó, giúp khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.

 

Thứ hai, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa cũng đã tạo ra sự đa dạng các sản phẩm, danh mục, về dịch vụ mở rộng đối tượng khách hàng và hệ sinh thái thanh toán của các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.

Vừa qua, một số TCPHT đã phối hợp phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa với nhiều tiện ích, tính năng như ứng dụng công nghệ thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc, tính năng thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng được gắn trên một tấm thẻ, đem lại những tín hiệu tích cực cho sự thành công của dòng sản phẩm thẻ tiềm năng này trong thời gian tới.

 

Thứ ba, khi phát hành thẻ nội địa, các tổ chức phát hành thẻ được quyền chủ động trong việc xây dựng mức phí phù hợp với đối tượng khách hàng. Ví dụ như phí phát hành, phí thường niên,… đối với các cơ sở chấp nhận thẻ cũng có mức phí phù hợp với các  phân khúc khách hàng, qua đó góp phần tạo các mức phí phù hợp, tạo sự linh hoạt trong việc áp dụng các mức phí với thẻ nội địa.

Thứ tư, phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ tại Việt Nam.

Hành lang pháp lý cho hoạt động phát hành và thanh toán thẻ nói chung trong đó có thẻ tín dụng nội địa đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành và thường xuyên bổ sung, hoàn thiện trong đó có quy định về việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát hành và thanh toán thẻ một cách thuận lợi và an toàn.

Đề xuất các giải pháp, ông Phạm Anh Tuấn cho biết: Trong 39 triệu thẻ đang hoạt động, chúng ta có trên 800 nghìn thẻ nội địa, chiếm 8,7% trong tổng số lượng thẻ. Như vậy đứng trước một thực trạng trên, rõ ràng chúng ta còn dư địa để quan tâm đẩy mạnh hơn phát triển thị trường thẻ nội địa tại Việt Nam

Ở góc độ Vụ thanh toán, tôi đề xuất giải pháp như các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, an toàn, đa năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa cần được thiết kế phù hợp với các nhóm đối tượng khách hàng có hành vi tiêu dùng hay thói quen thanh toán khác nhau. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi khuyến mại đối với khách hàng sử dụng thẻ tín dụng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ trong đó có thẻ tín dụng nội địa, kết nối thanh toán liên thông với dịch vụ công và các lĩnh vực giao thông, y tế, bảo hiểm… Ngoài ra, các tổ chức phát hành thẻ cũng cần tích cực hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn, tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa có thể thanh toán tại các sàn thương mại điện tử cũng như tại các điểm mua bán hàng hóa, dịch vụ tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Tiếp đó, các tổ chức tín dụng cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về thẻ tín dụng nội địa tới công chúng. Đây là giải pháp hết sức quan trọng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đồng thời,  nghiên cứu, hợp tác với các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch thẻ nước ngoài để mở rộng phạm vi sử dụng thẻ tín dụng nội địa không chỉ trong phạm vi trong nước mà còn có thể sử dụng thanh toán tại nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng.

14h00: Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – phát biểu khai mạc Hội thảo.

Mở đầu chương trình, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - gửi lời cảm ơn tới các quý vị khách quý, các quý vị đại biểu đã tới tham dự Hội thảo “Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam” do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức ngày hôm nay.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo “Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam”.

Theo Phó Thống đốc, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thị trường thanh toán điện tử nhằm đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh Tô Thế
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh Tô Thế

Thời gian qua, NHNN đã chủ động nghiên cứu ban hành, trình ban hành nhiều quy định phù hợp nhằm thức đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật QR Code, thẻ chip, tăng cường chuẩn hoá tính liên thông trong ngành ngân hàng, giữa ngành ngân hàng với các lĩnh vực khác… Đồng thời các ngân hàng được khuyến khích nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, thiết lập hệ sinh thái số để có các sản phẩm an toàn, nâng cao trải nghiệm khách hàng, đem lại lợi ích lớn cho khách hàng.

Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, những chính sách, quy định kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển các dịch vụ thanh toán số, biến thanh toán điện tử trở thành một phần quen thuộc, phổ biến trong xã hội, hoạt động hàng ngày của người dân, doanh nghiệp. Từ đó đem lại một số kết quả như sau:

Đến cuối năm 2022, trên 77,41% người dân trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản thanh toán bằng ngân hàng. Trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 51,14% về số lượng, qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng, qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng; qua QR Code tăng 124,15% về số lượng.

Việc mở tài khoản trực tuyến được thực hiện từ cuối tháng 3.2021. Tính đến tháng 6 năm 2023 đã có gần 27 triệu tài khoản được mở bằng phương thức điện tử eKYC. Đang hoạt động 10,8 triệu thẻ lưu hành bằng phương thức eKYC.

“Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng và các bên liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đầu tư hạ tầng, cung cấp các sản phẩm thanh toán đa dạng, hiện đại, mở rộng hạ tầng chấp nhận thanh toán, xây dựng hạ tầng đồng bộ để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp biệt ở vùng sâu vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện, ngăn ngừa tín dụng đen” – Phó Thống đốc nhấn mạnh.

14h ngày 15.9.2023, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam".

Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng; Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển, và Chủ tịch HĐQT NAPAS Nguyễn Quang Hưng.

Thẻ tín dụng nội địa là sản phẩm giúp hỗ trợ tài chính tiêu dùng, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam với lệ phí trao đổi ngân hàng phù hợp, cân bằng lợi ích của các ngân hàng phát hành cũng như khách hàng. Đây còn là giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới tài chính toàn diện và ngăn ngừa tín dụng đen. Tuy nhiên, thực tế kết quả triển khai kể từ khi thẻ tín dụng ra mắt vào đầu năm 2021 đến nay chưa thực sự cao, chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng của dòng sản phẩm này.

Tại Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam", các chuyên gia, khách mời sẽ nêu bật các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử, gồm phát triển hạ tầng chấp nhận thanh toán (thẻ, QR code...) và phát triển thẻ tín dụng nội địa nhằm góp phần triển khai chiến lược quốc gia của Việt Nam về thúc đẩy tài chính toàn diện, thanh toán không dùng tiền mặt và góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), đại diện lãnh đạo ngân hàng thương mại và công ty tài chính, các chuyên gia về thẻ...

Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam" được truyền hình trực tiếp trên báo Lao Động điện tử (www.laodong.vn) và báo điện tử Chính phủ (baochinhphu.vn) và Fanpage Thông tin Chính phủ bắt đầu từ 14h chiều 15.9.2023.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử"

Đức Mạnh |

14h ngày 15.9.2023, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử".

Cách tính lãi thẻ tín dụng và phí trả chậm ít người biết

Trần Thị Mai Hân - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT |

Thẻ tín dụng là một trong những công cụ chi tiêu hiện đại. Tuy nhiên, việc thiếu quan tâm đến các điều khoản, biểu phí khi sử dụng thẻ đã khiến không ít người phải tốn tiền cho các khoản lãi và phí.

8 lưu ý khi dùng thẻ tín dụng để tận dụng mọi ưu đãi

Trần Thị Mai Hân - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT |

Thẻ tín dụng là hình thức chi tiêu trước, thanh toán sau trong hạn mức đã xác định trước. Bạn có thể sử dụng thẻ ở nhiều điểm chấp nhận thẻ trên toàn thế giới.

Bản tin công đoàn: Lao động kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐTBXH nói gì?

NHÓM PV |

Bản tin công đoàn hôm nay có những nội dung chính sau: Đề xuất thêm một số đối tượng được nghỉ hưu sớm; Doanh nghiệp tại Bình Dương bắt đầu tuyển dụng lại lao động; Giáo viên mầm non: Bận đến mức không biết trường học của con ở chỗ nào...

iPhone mới hay 365 tách cà phê?

Anh Vũ |

Chi 1.000 USD cho một chiếc iPhone mới hàng năm là một việc đáng để cân nhắc. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple đã từng so sánh mức giá “hấp dẫn” này với việc mua một tách cà phê mỗi ngày trong suốt một năm. Vậy, nâng cấp iPhone mỗi năm một lần liệu có phải khoản đầu tư xứng đáng với người dùng?

Lênh đênh giữa Đại Tây Dương ngắm cá voi

Minh Đức |

Trong rất nhiều trải nghiệm du lịch tại Mỹ, ngắm cá voi trên biển Đại Tây Dương là một hoạt động du khách nên làm. Hải trình kéo dài khoảng 4 - 5 tiếng tuỳ thuộc vào tour ngắm cá voi bạn lựa chọn sẽ đem đến những trải nghiệm ấn tượng cho du khách.

Ronaldo toả sáng giúp Al-Nassr áp sát nhóm đầu

Thanh Vũ |

Bàn thắng của Ronaldo giúp Al-Nassr giành chiến thắng thuyết phục 3-1 trước Al-Raed ở vòng 6 Saudi Pro League 2023-2024.

Ép học sinh học thêm nên cách chức hiệu trưởng

Trà My |

Việc nhiều trường học liên kết với trung tâm bên ngoài đưa học thêm, dạy thêm vào chương trình học chính khóa khiến phụ huynh và xã hội hết sức bức xúc.

Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử"

Đức Mạnh |

14h ngày 15.9.2023, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử".

Cách tính lãi thẻ tín dụng và phí trả chậm ít người biết

Trần Thị Mai Hân - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT |

Thẻ tín dụng là một trong những công cụ chi tiêu hiện đại. Tuy nhiên, việc thiếu quan tâm đến các điều khoản, biểu phí khi sử dụng thẻ đã khiến không ít người phải tốn tiền cho các khoản lãi và phí.

8 lưu ý khi dùng thẻ tín dụng để tận dụng mọi ưu đãi

Trần Thị Mai Hân - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT |

Thẻ tín dụng là hình thức chi tiêu trước, thanh toán sau trong hạn mức đã xác định trước. Bạn có thể sử dụng thẻ ở nhiều điểm chấp nhận thẻ trên toàn thế giới.