Sau nhiều tháng rao bán, đến nay chị N.T.H mới bán được con tàu chuyên phục vụ khách tham quan ban ngày – hay còn gọi là tàu tiếng (tính giá tiền theo tiếng).
Những đợt COVID-19 liên tiếp buộc chị đành phải bán 1 tàu vừa để cắt lỗ, giảm bớt chi phí, vừa có tiền bảo trì cho 4 con tàu tàu phục vụ du khách lưu trú qua đêm (tàu lưu trú).
“Dịch bùng phát thì cho nhân viên nghỉ hết. Đến khi dịch được kiểm soát, muốn đón khách thì lại không biết tìm đâu nhân viên. Thôi, đành bán được tàu nào thì bán” – chị N.T.H thở dài.
Làn sóng bán tàu du lịch vịnh Hạ Long bắt đầu kể từ đợt COVID-19 thứ 2, khi mà tàu không có khách trong khi phải “gánh” lãi suất ngân hàng và các loại chi phí.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh, tính đến thời điểm này, tổng dư nợ vốn cho vay liên quan đến tàu du lịch là gần 2.000 tỉ đồng, với 243 khách hàng vay.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, từ 1.9.2020 – 7.5.2021, có 29 tàu du lịch được chuyển quyền sở hữu.
Các chủ tàu cho rằng, số tàu được chuyển nhượng trên chủ yếu là do các chủ tàu gặp khó khăn về tài chính do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, số lượng mà các chủ tàu muốn bán còn cao hơn thế nhiều, nhưng mấy ai dám mua trong tình hình này, dù giá khá hời.
Tàu dễ bán hơn tập trung chủ yếu vào tàu tiếng cũ. Hiện, mỗi tàu loại này thường không quá 2 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Phượng – Phó chi hội tàu du lịch vịnh Hạ Long – trước đây, chỉ riêng một suất đóng tàu đã có giá khoảng 2 tỉ đồng, do số lượng tàu du lịch vịnh Hạ Long đã được ấn định, không cho phát triển thêm.
Vì thế, nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả tỉ đồng để mua lại tàu cũ rồi xin đóng tàu mới, thay thế vào suất tàu cũ.
“Rất nhiều người rao bán nhưng có mấy ai mua, dù giá rất rẻ. Các loại tàu tiếng đóng mới, chi phí đóng ít nhất từ 7-8 tỉ/tàu thì cơ bản không ai mua. Tàu lưu trú lại càng khó bán bởi giá quá cao” – ông Phượng cho biết.
Trong khi nhiều chủ tàu rao bán tàu thì cũng có một số mua lại dù đội tàu của gia đình vẫn đang hoạt động cầm chừng.
“Tôi vừa mua lại một tàu tiếng loại cũ, giá 1,5 tỉ đồng. Khi chưa có dịch COVID-19, con tàu này không dưới 3 tỉ. Dịch rồi cũng sẽ được khống chế, lúc đó mình phục vụ khách nội địa, hoặc bán lại suất tàu” –– anh Trần Văn Minh – một chủ tàu du lịch vịnh Hạ Long cho biết.
Trong khi các tàu tiếng còn có chút thanh khoản, thì các tàu lưu trú, nhất là loại hạng sang, đang khiến các chủ tàu đau đầu. Bởi, tàu lưu trú giá cao quá, chi phí đóng tàu lên tới cả 70-80 tỉ/tàu.
“Khó khăn thế này, ai dám bỏ số tiền lớn để mua tàu. Hơn nữa, dòng tàu này phần lớn phục vụ khách quốc tế, mà biết bao giờ khách quốc tế mới trở lại?” – một chủ hãng tàu lưu trú trên vịnh Hạ Long chia sẻ với Lao Động.