Hàng đổi hàng
Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) cho biết thời gian qua, công ty đã chịu nhiều ảnh hưởng từ các biến động kinh tế vĩ mô đến chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản, vướng mắc pháp lý...
Đối với lô trái phiếu NVLH2123009 phát hành ngày 12.8.2022 và đáo hạn vào 12.2.2023, doanh nghiệp đã rất nỗ lực thực hiện thanh toán phần lãi đến hạn. Bên cạnh đó, công ty đề xuất trong thời hạn 2 tháng sẽ cùng trái chủ đưa ra phương án thanh toán tiền gốc trái phiếu phù hợp với thực tế dòng tiền của mình.
Đáng chú ý, các phương án được đề xuất bao gồm giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp, hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản do công ty đang đầu tư và phát triển. Theo Novaland, việc đưa ra các đề xuất trên hoàn toàn xuất phát từ sự kiện bất khả kháng theo các biến động không thể lường trước của thị trường và phù hợp với quy định tại văn kiện phát hành trái phiếu.
Doanh nghiệp giải thích: "Các phương án này đảm bảo về mặt pháp lý và phù hợp với định hướng xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu trong bối cảnh hiện nay, theo nội dung dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ. Đây cũng là những giải pháp phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích cho các trái chủ trong bối cảnh hiện tại".
Cẩn thận dao hai lưỡi, tạo điền lệ xấu
Bàn về giải pháp hoán đổi trái phiếu sang bất động sản, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng đây là "con dao hai lưỡi".
Về tích cực, giải pháp này sẽ tạo cơ hội cho người dân có thể mua được nhà ở với giá rẻ hơn thị trường, đồng thời chứng minh bên phát hành trái phiếu có tài sản để đảm bảo, giúp người dân yên tâm hơn khi đầu tư.
Mặt hạn chế là về lâu dài, tiền lệ xấu sẽ có nguy cơ xảy ra. Một số doanh nghiệp sẽ có thể phát hành trái phiếu với tâm thế luôn bán được hàng, kể cả khi có gặp khó khăn thực sự hay không.
Tiến sĩ kinh tế Trần Khắc Tâm cho rằng đây chưa phải giải pháp căn cơ. Thay vào đó cần một giải pháp đồng bộ để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách bài bản, minh bạch và bền vững hơn.
Ông Tâm phân tích: "Đối với những trái chủ chỉ mua khoảng 800 triệu đến 1 tỉ đồng trái phiếu, doanh nghiệp dự định sẽ lấy đâu ra sản phẩm có mức giá như vậy để đổi. Khi đó, họ sẽ phải ghép với một hoặc nhiều trái chủ khác để vừa tiền hoán đổi trái phiếu lấy một sản phẩm. Khi ghép nhiều trái chủ với nhau thì lại nảy sinh ra các tình huống pháp lý khác nhau.
Một vấn đề nữa là các sản phẩm để hoán đổi có thể là bất động sản hình thành trong tương lai. Khi hoán đổi, trái chủ nhiều khả năng sẽ phải đối diện với tình trạng dự án chậm tiến độ, chậm sổ hồng…"
Bổ sung thêm, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc xếp hạng tín nhiệm tại FiinRatings, cho rằng với phương án hoán đổi tài sản, doanh nghiệp cũng phải chủ động minh bạch thông tin với trái chủ về tình trạng pháp lý hiện nay như thế nào và diễn biến làm việc với các bên liên quan ra sao.
"Việc hoán đổi cũng phải tùy vào quyết định của người nắm giữ trái phiếu. Việc quan trọng nhất hiện nay hỗ trợ thanh khoản và hỗ trợ chính sách liên quan đến pháp lý", ông Khang nói.