Nâng cao giá trị
Cùng với sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia về Việt Nam, rất nhiều ông lớn như Samsung, Panasonic, LG, Bosch, Marsk… đang tiếp tục tìm kiếm nhà cung cấp thiết bị phụ trợ. Điều đáng mừng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã và đang đáp ứng tiêu chuẩn của những tập đoàn này để tham gia và tiến sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Mary Tarnowka - Giám đốc Điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam - cho biết, doanh nghiệp Hoa Kỳ đang chủ động gia tăng sử dụng nguồn cung ứng từ các doanh nghiệp Việt Nam. Trong số 500 công ty Hoa Kỳ được khảo sát ý kiến, đã có đến 40% lựa chọn doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam để bổ sung vào chuỗi cung ứng.
Đề cập đến nội dung trên, phía ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cũng thông tin, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến chế tạo tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ôtô, cơ khí. Trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu, 17% tham gia cung cấp cho cả hai. Có thể nói, có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng.
Những dự án FDI đã góp phần mang đến cơ hội lớn cho doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong nước. Đặc biệt là khi Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định Thương mại FTA thu hút dòng vốn ngoại, công nghệ hiện đại từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu trong nhiều lĩnh vực như điện tử, ôtô, hàng không, sản xuất thiết bị pin năng lượng mặt trời, lĩnh vực công nghệ cao, chíp bán dẫn…
Nỗ lực tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu
Nhìn nhận cơ hội phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam từ dòng vốn FDI khổng lồ, các chuyên gia cho rằng, vấn đề hiện nay là khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt còn hạn chế bởi những yêu cầu để tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sản xuất đầu cuối rất khắt khe, còn gặp nhiều vướng mắc, trở ngại.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉ lệ doanh nghiệp FDI mua nguyên liệu đầu vào từ các doanh nghiệp tại nước xuất xứ đã giảm dần từ 58,7% xuống 41,4% năm 2020. Cùng với đó, doanh nghiệp FDI cũng đang giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ nước thứ ba hơn so với 5 năm trước. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp FDI đang chuyển hướng sang sử dụng nhà cung cấp Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội - nhận định, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP.Hà Nội đang tự tin về trình độ kỹ thuật, tay nghề, khả năng nắm bắt kỹ thuật mới nhưng đa phần đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp vướng mắc lớn về tài chính để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại cho sản xuất. Vì đặc thù của ngành này là có biên độ lợi nhuận không cao, nên doanh nghiệp không dễ dàng tiếp cận vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng đề nghị ngân hàng cần thay đổi phương thức đánh giá khả thi hơn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thị Thuý Hương cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút vốn FDI theo hướng quan tâm chào đón các doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng, từ đó mang đến cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao và những mắt xích then chốt.
Để tăng cường năng lực đón nhận dòng vốn FDI và tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối, chuyên gia kinh tế TS Trần Đình Thiên cũng đưa ra định hướng, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn những tiêu chí như mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn, nguồn nhân lực chất lượng cao...