Lãi suất cao nhất 7,3%
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố các số liệu thống kê về tình hình lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng.
Số liệu cho thấy, lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng (VND) bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3 - 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và 4,2 - 5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.
Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng, mức lãi suất bình quân các ngân hàng đang trả cho khách hàng là 5,4 - 6,8%/năm và cao nhất tới 6,1 - 6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Trong khi đó, đối với lãi suất cho vay, NHNN cho hay lãi suất cho vay, lãi suất ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực hiện ở mức 4,4%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0 - 6,0%/năm.
So sánh các số liệu về lãi suất huy động và lãi suất cho vay được NHNN liên tục công bố trong thời gian từ đầu năm 2021 đến nay có thể thấy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng có xu hướng giảm rõ rệt trong các tháng qua ở nhiều kỳ hạn, dù mức giảm là không đáng kể.
Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn có mức giảm 0,1% từ mức 4,5%/năm xuống còn 4,4%/năm. Lãi suất cho vay USD hiện vẫn ổn định ở mức 3,0 - 6,0%năm.
Một diễn biến đáng chú ý khác là dù lãi suất huy động VND cao nhất trên thị trường theo thống kê của NHNN hiện chỉ là 6,9%/năm, cá biệt vẫn có một số ngân hàng hiếm hoi vẫn đang duy trì mức lãi suất trên 7%/năm, thậm chí tới 7,3%/năm ở thời điểm đầu tháng 9.2021.
Trong số này, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vẫn đang trả lãi suất cao nhất lên tới 7,0 - 7,3%/năm cho tiền gửi, tiết kiệm có kỳ hạn ở kỳ hạn 13 tháng.
Một nhà băng khác là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) hiện cũng trả lãi suất cao nhất tới 7,1% cho tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ ở kỳ hạn 12 tháng.
Mức lãi suất trên 7%/năm cũng được ghi nhận ở một số ngân hàng thương mại quy mô vừa và nhỏ khác. Tuy nhiên, các ngân hàng đều đưa ra các điều kiện riêng với mức lãi suất này, trong đó khách hàng phải gửi số tiền lớn từ 30 tỉ đồng, thậm chí từ 999 tỉ đồng trở lên.
Lãi suất khó tăng
Theo một số tổ chức đầu tư, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đang duy trì mức thấp kỷ lục và tạo điều kiện để khách hàng có thể tiếp cận vốn vay với chi phí hợp lý.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, lãi suất huy động thấp có thể làm giảm sức hấp dẫn của kênh gửi tiền vào ngân hàng và theo đó, thay vì gửi ngân hàng, người dân có thể tìm đến các kênh đầu tư khác nhiều hứa hẹn hơn như bất động sản, chứng khoán. Đây là yếu tố cho thấy lãi suất huy động rất khó giảm thêm trong thời gian tới.
Thực tế trong thời gian vừa qua, một số ngân hàng cùng lúc điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn bên cạnh việc tung ra các chương trình khuyến mại nhằm kích thích người gửi tiền.
Song theo đánh giá của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc lãi suất kỳ hạn ngắn tăng nhẹ tại một số ngân hàng chỉ mang tính chất cục bộ, không phản ánh sự hình thành làn sóng tăng lãi suất. Nếu có lãi suất huy động sẽ chỉ tăng nhẹ ở mức 0,1 - 0,2%.