Nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang gấp rút triển khai hệ thống đảm bảo tuân thủ quy định này bên thềm tháng 7. Bên cạnh đó, có nhiều ngân hàng đã sẵn sàng cho mốc thời gian này sớm hơn. Chẳng hạn như ở MB, việc chuyển tiền có xác nhận sinh trắc học bằng khuôn mặt đã được triển khai tới khách hàng từ đầu năm 2024. Theo Ngân hàng này, đến giữa tháng 6.2024 có khoảng 93,3% giao dịch có sử dụng xác thực sinh trắc học thành công. Việc triển khai quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước là hết sức cần thiết, đặc biệt trong việc bổ sung thêm một lớp bảo mật quan trọng cho khách hàng trước bối cảnh các vụ gian lận và lừa đảo giao dịch có dấu hiệu tăng cao. Theo các chuyên gia về công nghệ và an ninh mạng, đây một bước tiến tích cực nhằm ngăn chặn gian lận và bảo vệ người dùng, đóng vai trò thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ AI liên quan đến nhận diện sinh trắc học, đơn giản hóa quy trình định danh khách hàng, giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đón đầu công nghệ, bảo vệ khách hàng sớm hơn, an toàn hơn
Với sự gia tăng các vụ lừa đảo tinh vi nhằm đánh cắp thông tin người dùng, tài khoản và thực hiện các giao dịch chuyển tiền trái phép, nhiều người dân lo ngại khi thực hiện các giao dịch trực tuyến hoặc khi bị mất thiết bị di động cá nhân hoặc mất thẻ ngân hàng sẽ bị đánh cắp thông tin và đối diện nguy cơ bị mất tiền trong tài khoản.
Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều ngân hàng đã tiến hành bảo vệ tài khoản khách hàng kết hợp đa yếu tố, đa tầng bảo mật thông tin khách hàng. Theo đại diện của MB, xác thực bằng sinh trắc học là một chốt chặn quan trọng để các ngân hàng bảo vệ khách hàng, bên cạnh các phương thức bảo vệ tài khoản bằng mật khẩu và Digital OTP. Bằng việc đón đầu sớm công nghệ và các quy định của NHNN để đảm bảo an toàn giao dịch của khách hàng, từ đầu năm 2024, khách hàng của ngân hàng nay khi chuyển tiền đã có thể xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt, cho phép giao dịch chỉ được thực hiện bởi chính chủ tài khoản khớp với dữ liệu thu thập và lưu trữ tại ngân hàng, và với căn cước công dân. Đến nay, MB đã có 93,3% giao dịch xác thực khuôn mặt thành công. Với các trường hợp chưa thực hiện được xác thực khuôn mặt trên App, MB hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc.
Bổ sung các lớp bảo mật và cảnh báo lừa đảo - giải pháp ngăn chặn giao dịch không mong muốn
Theo quy định của Ngân hàng nhà nước, dữ liệu sinh trắc để xác thực giao dịch bắt buộc phải khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân của khách hàng do cơ quan Công an cấp, là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo tính an toàn, bảo mật và xác thực thông tin ở mức độ cao khi khách hàng sử dụng.
Ông Mai Huy Phương - Phó Giám đốc Khối Ngân hàng số MB - cho biết: “Việc xác thực bằng dữ liệu khuôn mặt là một phòng tuyến quan trọng ngăn chặn các đối tượng lừa đảo, kể cả khi sử dụng công nghệ Deepfake. App MBBank có thể phát hiện các khuôn mặt không đúng với khuôn mặt người đăng ký, đồng thời cũng từ chối nhận diện các trường hợp đeo khẩu trang, che mặt, đeo kính râm, hay các hành động cố tình không lộ rõ khuôn mặt. Bên cạnh đó, chúng tôi còn là Ngân hàng đi đầu trong việc nhận diện được các tài khoản lừa đảo hoặc có dấu hiệu lừa đảo để cảnh báo tới khách hàng trước khi bấm nút chuyển khoản, dựa trên thông tin được Cục An ninh và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cập nhật liên tục.”
Theo quy định của pháp luật, mọi thông tin dữ liệu sinh trắc học của khách hàng đều được Ngân hàng bảo mật tuyệt đối. Bên cạnh việc thực hiện giao dịch có nhiều lớp bảo mật theo quy định và lưu ý các cảnh báo nhận diện các giao dịch giả mạo, lừa đảo, khách hàng cần nâng cao cảnh giác và chủ động bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và thẻ ngân hàng. MB cũng nằm trong số ít ngân hàng cho phép chủ thẻ tín dụng/ thẻ đa năng có thể chủ động quản lý thông tin thẻ trên App MBBank, đóng/mở khoá giao dịch ngay trên App trong trường hợp cần thiết thay vì phải ra quầy.