Ngày 2.10, trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình xác nhận, đơn vị vừa ban hành Quyết định số 99 về việc ngừng hoạt động toàn bộ dự án Nhà máy mía đường Hòa Bình tại xã Tân Mỹ (huyện Lạc Sơn). Toàn bộ dự án sẽ ngừng hoạt động trong thời gian 3 tháng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, nguyên nhân dẫn đến việc ngừng toàn bộ dự án là do trong quá trình hoạt động, Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình làm ăn không hiệu quả, chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, tại cuộc kiểm tra tình hình triển khai dự án ngày 12.9, nhà máy sản xuất đường của công ty tại xã Tân Mỹ đang trong tình trạng đóng cửa, không hoạt động, cơ sở hạ tầng xuống cấp.
Theo phản ánh từ cấp ủy, chính quyền địa phương, trong quá trình hoạt động, công ty còn nợ tiền thu mua mía nguyên liệu của người dân khoảng 1,2 tỉ đồng. Từ năm 2018 đến nay, nhà máy sản xuất mía đường của công ty không còn người làm việc.
Nhà máy mía đường trước đây đóng tại phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, sau đó được di dời đến xã Tân Mỹ (Lạc Sơn). Dự án được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2015. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 140 tỉ đồng và người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Khắc Truyện - chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Theo ghi nhận thực tế của PV Báo Lao Động tại Nhà máy mía đường là khung cảnh hoang tàn, nhếc nhác, không một bóng người. Các căn phòng của nhà máy cửa đóng then cài, nhiều máy móc, trang thiết bị đang trong quá trình xuống cấp, cỏ dại mọc ùm tùm xung quanh nhà máy.
Anh Bùi Văn Quý - (40 tuổi, trú huyện Lạc Sơn) cho biết, nhà máy mía đường Hòa Bình về xã Tân Mỹ để xây dựng từ khoảng năm 2015, sau đó hoạt động được vài năm thì ngừng và để không như bây giờ. Ban đầu ai cũng kỳ vọng khi nhà máy về đây sẽ tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhiều gia đình đã trồng mía để bán cho nhà máy nhưng được 1 thời gian nhà máy dừng hoạt động.
Trao đổi với PV, ông Bùi Đức Toàn - Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết: "Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình chuyển từ TP Hòa Bình về đặt tại địa phương và bắt đầu đi vào hoạt động năm 2017. Đến niên vụ mía năm 2018-2019 thì công ty bắt đầu nợ dân".
Theo ông Toàn, nguyên nhân nợ tiền mía được cho là nhà máy hoạt động không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ. Cho đến nay, nhiều hộ dân bị nợ tiền với tổng số tiền gần 900 triệu đồng, tập trung ở các xóm Song Khảnh, Bùi Ngheo, xóm Nạch, xóm Câu.
"Ngoài nợ tiền của người dân địa phương trong xã, nhà máy mía đường còn nợ ở nhiều xã khác lân cận" - ông Toàn thông tin thêm.
Liên quan đến khoản tiền mà nhà máy mía đường nợ người dân, lãnh đạo UBND huyện Lạc Sơn cho biết, hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đang tiến hành các thủ tục để thanh lý tài sản. Địa phương cũng đã đề nghị ngân hàng ưu tiên về khoản tiền mà nhà máy đang nợ người dân sau khi nhà máy được thanh lý.
Theo Cục Thuế tỉnh Hòa Bình, Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình đang nợ 7,4 tỉ đồng tiền thuế. Đơn vị này đã được khoanh nợ vào năm 2020 do doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ và đã dừng hoạt động.