Thưa ông, cơ duyên nào đã đưa ông tới nghề tư vấn tài chính và quyết định rời nước Úc về phát triển tại Việt Nam?
- Thời học cấp 3, những bộ phim liên quan đến kinh tế tài chính của Mỹ từng có sức hút rất mãnh liệt với tôi. Sau khi mày mò tìm hiểu mới biết có một nghề tên gọi là quản lý gia sản, giống như một chiến lược gia. Tuy nhiên, thời điểm đó, từ lớp 1 tới lớp 12, học sinh vẫn chưa được dạy gì về tài chính cá nhân. Tới khi vào đại học những năm 2004 cũng không tìm thấy ngành học nào như vậy. Sau này tôi mới biết ở các nước phát triển, nghề mình thích có một ngành học riêng tên là tư vấn tài chính. Đó chính là lúc tôi chọn du học tại Úc.
Trong quá trình học tập và làm việc tại đây, tôi nhận thấy có ba nghề mà các gia đình trung lưu hầu như đều cần tới là luật sư, bác sĩ và tư vấn tài chính. Vì thế nghề tư vấn tài chính có tính cạnh tranh trong xã hội của nước bản địa rất cao, kéo theo thu nhập và vị thế trong xã hội.
Tôi cũng nhận thấy tư vấn nghề tài chính rất có tiềm năng tại Việt Nam khi xét về dân số, tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân. Đồng thời để thị trường tài chính bao gồm bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán phát triển thì gần như nghề tư vấn tài chính cần phải phát triển. Bởi đây chính là màng lọc giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm tài chính an toàn và đáp ứng mục tiêu dài hạn. Điều quan trọng là nghề này còn tạo ra giá trị xã hội và nhân văn rất lớn, vô hình bảo vệ hạnh phúc và sự thịnh vượng trong mỗi gia đình.
Đó là lý do tôi muốn quay về Việt Nam, đồng hành cùng FIDT không chỉ làm dịch vụ tư vấn tài chính mà còn chọn cả sứ mệnh này.
Sau một thập kỷ về nước cống hiến, ông nhận thấy nghề tư vấn tài chính tại Việt Nam đã có sự phát triển như thế nào?
- Nhớ thời điểm mới về nước năm 2013, thị trường lúc đó còn chưa có sự phân định rõ ràng, kể cả về tên gọi. Có thể nói khi đó trong ngành bảo hiểm nhân thọ, khoảng 95% nhân viên tư vấn bảo hiểm chỉ tập trung vào kỹ năng bán hàng để kiếm doanh số. Với ngân hàng cũng tương tự, còn chứng khoán thì là một năm đau buồn, hầu hết chỉ làm nghề môi giới.
Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, thị trường đã có sự tích cực về mặt định hướng và nỗ lực của người làm nghề. Khoảng 20 - 30% tư vấn viên bảo hiểm gần như có chuyên môn về nghiệp vụ để hướng tới trở thành tư vấn tài chính. Bởi bên cạnh bảo hiểm, họ còn hiểu biết về chứng khoán, ngân hàng… nên năng lực mở rộng trong nhiều lĩnh vực tài chính khác nhau, từ đó có thể dễ dàng thuyết phục khách hàng. Khi được đào tạo bài bản như vậy thì đạo đức nghề nghiệp sẽ tự khắc được định hướng tốt hơn.
Bên cạnh đó còn là sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức khi Chính phủ có Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Điều này đã cho thấy sự nhìn nhận nghiêm túc và trọng yếu đối với tài chính cá nhân trong xã hội. Một số trường đại học cũng sẽ sớm mở chuyên ngành về hoạch định tài chính cá nhân.
Tôi kỳ vọng trong khoảng thời gian năm 2025 - 2030 sẽ là cuộc cách mạng, một chương mới cho thị trường tư vấn tài chính tại Việt Nam. Qua đó, sẽ cơ hội để chính thức đặt những viên gạch vững chắc vào thị trường tài chính cá nhân. Hướng tới một thị trường tài chính nói chung ổn định, bền vững hơn và hạn chế đầu tư lừa đảo, đa cấp.