Người nghèo, cận nghèo được tiếp sức kịp thời
5 năm qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có rất nhiều hộ gia đình từ khó khăn đã mở rộng được quy mô sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Điển hình như hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thiết, ở bon Bu Boong, xã Đắk N'Drung, huyện Đắk Song, được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội.
Từ nguồn vốn ưu đãi này, bà Thiết đã sử dụng vào việc đầu tư, chăm sóc vườn hồ tiêu, cà phê. Kết quả, trong năm 2021, gia đình bà thu về hơn 1,5 tấn hồ tiêu, 4 tấn cà phê nhân. Theo bà Thiết, tổng sản lượng này cao hơn nhiều so với thời kỳ gia đình bà chưa được vay vốn ưu đãi để tập trung chăm sóc.
Mặt khác, gia đình bà Thiết còn đầu tư nuôi 5 con dê để tạo thêm nguồn thu nhập. Tổng cộng, mỗi năm gia đình bà có nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng (trừ chi phí). Nhờ được nguồn vốn ưu đãi tiếp sức, nay cuộc sống của gia đình bà Thiết đã được cải thiện rất nhiều, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tương tự, gia đình bà Đinh Thị Sinh, cũng ở bon Bu Boong, đã tiếp cận được nguồn vốn dành cho hộ cận nghèo. Với số tiền 70 triệu đồng vay được từ Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình bà đã đầu tư chăm sóc vườn rẫy, mua sắm công cụ lao động.
Nhờ đó, hiệu quả sản xuất của gia đình bà Sinh đã đạt cao hơn so với trước đây rất nhiều. “Trước đây, việc chăm sóc vườn rẫy của gia đình gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Nhưng giờ đây, gia đình tôi đã có điều kiện đầu tư, chăm sóc cây trồng tốt hơn, thu nhập nhờ đó cũng cao hơn” - bà Sinh cho biết.
Hay như gia đình ông Trần Văn Hùng, ở xã Nam Bình, huyện Đắk Song trước đây thuộc diện hộ nghèo. Sau khi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình ông đã đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi.
Trong đó, gia đình ông tập trung đầu tư, chăm sóc vườn tiêu một cách bài bản. Cũng từ nguồn vốn ưu đãi này, ông Hùng còn chăn nuôi thêm 1.000 con thỏ, 300 con chuột lang. Hiện nay, các loại cây trồng, vật nuôi này đều phát triển bền vững, mang về cho gia đình ông Hùng nguồn thu nhập ổn định.
Nhờ đó, đến năm 2020, gia đình ông đã cơ bản thoát nghèo, từng bước hoàn trả nguồn vốn vay cho ngân hàng và vươn lên làm giàu.
Đồng hành cùng người nghèo mọi lúc, mọi nơi
Theo ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Đắk Nông, hằng năm, đơn vị đều xây dựng kế hoạch thực hiện phân bổ nguồn vốn ưu đãi cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở tất cả địa phương được tiếp cận.
Tính đến 31.3.2022, tổng dư nợ nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo là hơn hơn 598 tỷ đồng với 13.238 hộ còn đang dư nợ, chiếm tỷ lệ 18,45 %/tổng dư nợ. Trong đó, doanh số cho vay giai đoạn 2017-2022 là hơn 780 tỷ đồng với 17.350 lượt hộ nghèo vay vốn, dư nợ bình quân đạt 44 triệu đồng/hộ.
Đối với chương trình cho vay hộ cận nghèo, dư nợ thực hiện đến 31.3.2022 là hơn 432triệu đồng với 8.312 hộ còn đang dư nợ, chiếm tỷ lệ 13,1%/tổng dư nợ. Doanh số cho vay trong 2017-2022 là hơn 823 triệu đồng với 15.000 lượt hộ vay, bình quân dư nợ là 54,9 triệu đồng/hộ.
"Nguồn vốn dành cho hộ nghèo, cận nghèo đã tạo công ăn, việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng chục ngàn người. Điều này, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội địa phương.
Trong thời gian tới, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung thực hiện tốt mục tiêu hỗ trợ nguồn vốn cho người nghèo, cận nghèo. Việc này nhằm giúp bà con mở rộng phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống" - ông Hà cho biết.