Giá cả bình ổn và thu nhập của người dân được cải thiện
Nếu như vào thời điểm này, tại các siêu thị, trung tâm thương mại hay các chợ dân sinh, người tiêu dùng chen nhau mua bánh kẹo, hàng khô để “tích trữ”, thì hiện nay hầu như không còn cảnh đó. Theo chuyên gia kinh tế - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa - cho rằng: Sở dĩ có sự chuyển biến đó là do kinh tế đất nước phát triển đã mang lại cải thiện cho thu nhập của người dân; chất lượng đời sống của người dân tăng cao. Nhu cầu ăn uống không còn nặng nề như trước. Cùng với nguyên nhân ấy, chính là do có hệ thống thương mại phát triển mạnh, đặc biệt là hệ thống thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, mua bán trực tuyến… Có phạm vi bao phủ rộng; hàng hóa phong phú, đa dạng; phương thức bán hàng tiện lợi, giá cả bình ổn.
Theo nhiều người tiêu dùng, 2-3 năm trở lại đây, giá cả bình ổn, nhu cầu ăn uống cũng không nhiều, nên nhiều gia đình sắm Tết gọn nhẹ. “Vào dịp Tết Nguyên Đán, đêm 30 gia đình chúng tôi tổ chức bữa cơm Tất niên, ngày mùng 1 thăm thú họ hàng, mùng 2 lên đường đi du lịch, nên nhu cầu mua sắm không nhiều. Chúng tôi dành tiền cho việc di chuyển du lịch, không nặng nề cỗ bàn, ăn uống” - bà Nguyễn Lan Chi - phố Phạm Thận Duật (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết. Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc BigC Thăng Long cũng cho rằng, thói quen ăn Tết của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là người tiêu dùng các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM đã thay đổi rất nhiều, nên cơ cấu mua sắm hàng hóa cũng có sự thay đổi. Nếu như các năm trước, người tiêu dùng tập trung vào thịt, cá, giò, chả, bánh kẹo… thì xu hướng chuyển sang mua sắm các mặt hàng cao cấp nhiều hơn. Cũng giá trị tiền như vậy, người tiêu dùng mua số lượng ít, nhưng chủ yếu là hàng “độc”, ngon, cao cấp. Ông Nguyễn Thái Dũng cho rằng, tính về trị giá, sức mua của người tiêu dùng trong Tết Nguyên Đán 2018 không giảm, ngược lại, có phần tăng khoảng 20% do năm 2017 là năm kinh tế Việt Nam được khởi sắc, đời sống và thu nhập của người dân được cải thiện.
“Sức mua sắm trong Tết 2018 sẽ tăng so với cùng kỳ năm trước khoảng 20% bởi kinh tế Việt Nam năm 2017 tăng trưởng tốt, mức thu nhập của người lao động và nhân dân cũng được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, do thói quen ăn và chơi Tết có thay đổi so với cơ cấu, thay vì các sản phẩm thịt, cá, bánh, kẹo truyền thống, thì người tiêu dùng hướng tới những mặt hàng cao cấp, đắt tiền và có mẫu mã đẹp, tập trung vào các mặt hàng đồ uống và sản phẩm thực phẩm ngoại nhập” - ông Nguyễn Thái Dũng nhấn mạnh. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Điều hành TCty Thương mại Hà Nội (Hapro) - cũng cho rằng, người tiêu dùng không còn nặng về vật chất, nên việc chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết cũng cần điều chỉnh cho phù hợp. Hapro tập trung khai thác hàng hóa từ 3 nguồn chính, trong đó chú trọng đối với các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam chất lượng cao, có uy tín. “Người tiêu dùng có xu hướng “chơi Tết” nhiều hơn “ăn Tết”, nên việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết cũng cần điều chỉnh cho phù hợp: Đẩy mạnh các mặt hàng chế biến sẵn để người tiêu dùng có thời gian đi chơi, du xuân, không phải “vùi đầu vào bếp”” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết. Theo bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Nhất Nam, người tiêu dùng dành nhiều thời gian trong dịp Tết để du xuân, thăm thú họ hàng, bè bạn, nên hàng hóa cần đáp ứng các tiêu chí này. Hệ thống siêu thị Fivimart cũng đẩy mạnh các mặt hàng chế biến sẵn để phục vụ nhu cầu sắm Tết tiện dụng, tiết kiệm thời gian của người tiêu dùng.
Quan tâm đến yếu tố tinh thần cho người lao động và nông dân ngoại thành
Để phục vụ nhân dân khu vực ngoại thành, công nhân lao động (CNLĐ), các DN trong nước cũng đẩy mạnh kinh doanh các mặt hàng giá thành rẻ nhưng chất lượng tốt, chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng cao. “Chúng tôi đẩy mạnh hàng thiết yếu bình ổn giá, đưa hàng hóa sản xuất trong nước về nông thôn để phục vụ người tiêu dùng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các huyện ngoại thành” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh. Nhằm hướng người tiêu dùng vào chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hapro cũng tập trung vào các mặt hàng trực tiếp sản xuất như: Thịt gia súc gia cầm các loại, thực phẩm chế biến, giò chả, bánh chưng, rượu, xúc xích, nem các loại, gạo, đồ gốm...
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Tiến Thỏa, hàng hóa phong phú, không khan hiếm, dịch vụ đáp ứng tận nơi, thậm chí phục vụ cả đêm 30, sau ngày mùng 1 Tết đã mở cửa bán hàng… đã xóa tan được tâm lý sợ thiếu hàng, giá tăng đột biến từng ngày như trước đây, người tiêu dùng không cần phải mua sắm tích trữ, nên đối với những gia đình có mức thu nhập trung bình, cũng không còn cảnh “đua nhau mua sắm” đến mức dùng không hết, rất lãng phí như trước đây. Chính vì vậy, người tiêu dùng dù có mức thu nhập cao hay người lao động có thu nhập thấp đều có điều kiện mua sắm hợp lý để đón xuân, “chơi Tết” một cách thoải mái, đầm ấm, bình an.