Cách tính chưa hợp lý
Bình thường, mỗi tháng gia đình nhà anh Minh (quận Hà Đông) phải trả khoảng 2,3 - 2,8 triệu đồng tiền điện thế nhưng, trong kỳ thanh toán tiền điện tháng 2 vừa rồi, tiền điện nhà anh vọt lên 6,7 triệu đồng, tăng cao đột biến.
Khi tính toán lượng điện sử dụng và tách từng số liệu cụ thể, anh cho rằng, việc ngành Điện cộng dồn ngày vào một kỳ tính hóa đơn khiến khách hàng bị thiệt khi phải trả nhiều hơn cho số kWh dùng ở bậc thang giá cao (bậc 5-6).
Anh Minh cho rằng, trong kỳ tính giá điện tháng 2 (gộp từ ngày 8.1 - 29.2), gia đình anh dùng hết 2.127kWh; số tiền điện phải trả cho kỳ điều chỉnh này là 6.718.640 đồng (đã bao gồm 8% thuế VAT).
Khi tách thành 2 hóa đơn, tương ứng với 2 giai đoạn ghi chỉ số công tơ trong khoảng thời gian này sẽ được 2 giai đoạn tính tiền điện như sau: Giai đoạn 1 từ ngày 8.1 - 7.2 (31 ngày); giai đoạn 2 từ ngày 8.2 - 29.2 (22 ngày).
Trong đó: Giai đoạn từ ngày 8.1 - 7.2 (31 ngày), gia đình anh Minh sử dụng hết 940kWh, số tiền điện phải trả là 2.894.119 đồng.
Giai đoạn từ ngày 8.2 - 29.2 (22 ngày), gia đình anh Minh sử dụng hết 1.187kWh, tiền điện phải trả là 3.807.826 đồng. Tổng số tiền phải trả cho cả hai giai đoạn này là 6.701.945 đồng.
Như vậy, nếu gộp hóa đơn (từ ngày 8.1 - 29.2) trong kỳ thanh toán tiền điện tháng 2.2024, anh Minh cho biết, số tiền chênh 16.659 đồng. Anh Minh thắc mắc, Hà Nội có hàng triệu hộ dùng điện, nếu số tiền mỗi hộ dùng chênh từ vài nghìn đến chục nghìn đồng sẽ thiệt thòi cho khách hàng. Do vậy, ngành Điện cần giải thích rõ vấn đề này để người dân hiểu.
"Là người sử dụng điện, tôi chỉ mong được thanh toán theo một giá, không theo bậc thang, không lũy tiến. Lúc đó, ngành Điện muốn thanh toán đầu tháng, cuối tháng tôi cũng vui lòng" - ông Minh nói.
Nhằm đảm bảo thống nhất trong quản lý
Trả lời về vấn đề này, phía Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, trước đây, lịch ghi chỉ số công tơ trên địa bàn Hà Nội diễn ra từ ngày mùng 3 đến ngày 20 hàng tháng (tùy địa bàn).
Khi chuyển đổi về ngày cuối tháng, hóa đơn tiền điện sẽ cao hơn so với bình thường, do số ngày tiêu điện tăng lên. EVN Hà Nội cam kết đảm bảo quyền lợi của khách hàng, việc tính tiền điện theo bậc thang lũy tiến không có sự thay đổi so với trước.
Bà Tô Lan Phương - Trưởng ban Kinh doanh EVN Hà Nội - cho biết: "Trong kỳ thanh toán hóa đơn lần này, thay vì khách hàng sẽ thanh toán tiền điện cho 30 ngày thì số ngày sử dụng điện thực tế có thể từ 41 đến 58 ngày. Quyền lợi của khách hàng được đảm bảo căn cứ trên việc điều chỉnh số lượng ngày sử dụng điện thực tế".
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, đã có văn bản chỉ đạo, thống nhất trên toàn địa bàn thành phố về việc thay đổi ghi chỉ số công tơ điện của EVN Hà Nội. Điều này nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, giảm thiểu được những sai sót trong quá trình ghi chỉ số và thanh quyết toán hóa đơn.
Hiện nay, bậc 1 biểu giá điện sinh hoạt mới cho kWh 0-50 là 1.806 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.728 đồng/kWh). Bậc 2 cho kWh 51-100 là 1.866 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.786 đồng/kWh). Bậc 3 cho kWh 101-200 là 2.167 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.074 đồng/kWh).
Bậc 4 cho kWh 201-300 là 2.729 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.612 đồng/kWh). Bậc 5 cho kWh 301-400 đồng/kWh là 3.050 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.919 đồng/kWh). Bậc 6 cho kWh 401 trở lên là 3.151 đồng/kWh (biểu giá cũ là 3.015 đồng/kWh).