Theo thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh nới trần tăng trưởng (room) tín dụng cho các ngân hàng mới mức tăng thêm từ 3-6%.
Trong đó ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân: Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) được nới từ 17,4% lên 23,4%, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) nới từ 17,1% lên 22,1%, Ngân hàng Hàng hải (MSB) được nới từ 16% lên 22%, Ngân hàng Quân đội (MB) tăng từ 15% lên 21%.
Cũng ở nhóm này, Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) và Ngân hàng Phương Đông (OCB) lần lượt được tăng trần tăng trưởng tín dụng lên 19,1%, 17,1% và 15%.
Còn tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được nới room tín dụng mạnh nhất từ 12,5% lên 15%; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng lần lượt được nới lên mức 12% và 12,5%.
Trong báo cáo mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), với điều chỉnh mới của Ngân hàng Nhà nước, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới thêm 13,8%.
Với mức tăng thêm, các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới và động thái này đặc biệt có ý nghĩa trong trong bối cảnh nhiều tổ chức tín dụng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay.
Cũng theo đánh giá của BSC, tác động của dịch bệnh COVID-19 lần 4 với quy mô rộng sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng cho nửa sau năm 2021 và việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% là có thể đạt được.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, BSC dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 13% nhờ đà phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh, cùng với gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỉ đồng trong 2-3 năm tới sẽ là nguồn thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Quyết định điều chỉnh tăng trần tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra trong bối cảnh nguồn tiền huy động vào các ngân hàng đang có nhiều diễn biến trái chiều giữa nguồn tiền gửi của tổ chức kinh tế và nguồn tiền gửi tiết kiệm dân cư.
Cụ thể chỉ trong các tháng 7-9.2021, tổng số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại các ngân hàng tăng tới trên 200.000 tỉ đồng, tương đương mức tăng tới hơn 3,93% chỉ sau 2 tháng.
Ngược lại, tổng số dư tiền gửi, tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng lại diễn biến trái chiều khi liên tục đi xuống trong hai tháng liên tiếp. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 9.2021, tổng số dư tiền gửi của người dân giảm tới 2.459 tỉ đồng so với cuối tháng 7.2021.
Tuy nhiên, nhờ tiền gửi tổ chức kinh tế mức tăng mạnh, tổng phương tiện thanh toán của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 9.2021 đạt gần 12,88 triệu tỉ đồng, tương đương mức tăng 6,35% so với cuối năm 2020.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, việc các ngân hàng lần lượt giảm mạnh lãi suất huy động vốn là yếu tố khiến nhiều người rút tiền chuyển sang kênh đầu tư khác.
"Các tác động của dịch COVID-19 cùng với việc lãi suất tiết kiệm liên tục giảm đã khiến cho tiền nhàn rỗi trong cư dân chảy vào các kênh có khả năng sinh lời cao hơn như bất động sản hay chứng khoán và giảm tiền gửi tại hệ thống ngân hàng" - chứng khoán BVSC đưa nhận định.