Nghị quyết 128 tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp
Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam, những ngày đầu khi Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" ban hành, việc đi lại giữa các tỉnh vẫn "mỗi nơi một kiểu".
Ví dụ, các tỉnh như Hải Dương, Thái Bình vẫn yêu cầu những người đến từ nơi khác khi qua chốt kiểm soát cửa ngõ phải có giấy xét nghiệm COVID-19. Tại một số chốt kiểm soát trên địa bàn tỉnh Thái Bình, một số người đến từ Hải Phòng không có giấy xét nghiệm nên bị yêu cầu quay đầu nếu không muốn phải cách ly.
"Có thời điểm, nhân viên kinh doanh và logistics của chúng tôi bị mắc kẹt ở Hải Dương vì không có giấy xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR, dù phương tiện chúng tôi hoạt động theo "luồng xanh" và nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Những lúc đó, chúng tôi phải đứng giữa hai lựa chọn: Hoặc là quay đầu xe về Hà Nội; hoặc là chạy thẳng về Hải Phòng để thực hiện test COVID-19. Điều này phát sinh chi phí rất lớn, “ngốn nguồn lực của doanh nghiệp" - bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, rất may, hiện giờ lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp và có những thay đổi cần thiết. Theo đó, từ ngày 16.10, người từ các tỉnh khu vực cấp độ 3 (màu cam), cấp độ 2 (màu vàng), cấp độ 1 (màu xanh) vào tỉnh Hải Dương không cần giấy xét nghiệm SARS-CoV-2. Chỉ yêu cầu xét nghiệm với trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, mất khứu giác.
"Tôi cho rằng, khi mở cửa kinh tế trở lại, thích ứng với trạng thái bình thường mới, các địa phương nên bám sát theo tinh thần và hướng dẫn của Nghị quyết 128 của Chính phủ để thực hiện. Bởi, Nghị quyết 128 là nền tảng tạo ra sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong hoạch định và thực thi chính sách" - bà Hằng cho hay.
Cần bỏ tư duy khoanh vùng theo ranh giới giữa các tỉnh
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), dịch COVID-19 bùng phát mạnh, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8.2021 đã giảm hơn 100 đơn vị so với tháng 7.2021 và giảm 150 doanh nghiệp so cùng kỳ năm 2020.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Vasep - nhấn mạnh: Nguồn nguyên liệu ảnh hưởng rất lớn và quyết định giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, quy định giãn cách và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nên doanh nghiệp không thể huy động được nguồn nguyên liệu, nguyên liệu bị ùn ứ nên giá giảm, người dân không tiếp tục thả nuôi.
Đối với cá tra, hiện có 7 tỉnh chủ lực nuôi, chế biến xuất khẩu, nhưng quy định của các địa phương cũng khiến các đội bắt cá (công đoàn) không di chuyển được giữa các tỉnh để thực hiện vì có các địa phương sẽ bắt buộc cách ly 14 ngày, dẫn đến nguyên liệu bị đứt gãy.
“Dự kiến nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng (tôm, cá tra…) sẽ thiếu từ 20-30%, giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10-20% trong những tháng cuối năm khi mà nhiều nhà máy bắt đầu phục hồi sản xuất” - ông Nguyễn Hoài Nam cho hay.
Tuy nhiên, ông Nam kỳ vọng Nghị quyết 128 của Chính phủ sẽ giúp doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ hải sản vượt qua tâm lý bất an vừa qua, kiểm soát hoạt động chặt chẽ, chung tay chia sẻ thông tin, đoàn kết giữ vững các mắt xích chuỗi giá trị sản phẩm.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) - cho rằng, hiện có đến 40% người lao động của các nhà máy đi lại trong vùng giáp ranh giữa TPHCM và các tỉnh lân cận.
Chính vì vậy, khi Nghị quyết 128 được ban hành, các địa phương cần bỏ tư duy khoanh vùng theo ranh giới giữa các tỉnh. Nơi nào nguy cơ cao thì áp dụng biện pháp riêng cho nơi đó. Bởi Nghị quyết 128 đã xác định rõ khái niệm vùng là quy mô cấp xã, phường, thị trấn.