Mới đây, Agribank Chi nhánh Phú Nhuận đăng tải thông tin bán đấu giá 123 tấn thuốc bảo vệ thực vật với giá khởi điểm hơn 5 tỷ đồng. Tiền đặt trước là 10% giá khởi điểm, tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá là 500.000 đồng/hồ sơ, bước giá tối thiểu 10 triệu đồng. Ngân hàng dự kiến tổ chức đấu giá vào ngày 9.10.2020.
Agribank AMC thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Hiệp Phước, Nhà Bè, TPHCM với diện tích 1.000m2, đất ở 963,6m2, đất trồng cây lâu năm 36,4m2. Mức giá khởi điểm: 6,5 tỷ đồng (Giá này chưa bao gồm thuế GTGT).
BIDV chi nhánh Nam Hà Nội thông báo bán khoản nợ của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Trung Ương. Khoản nợ này được ra bán đến lần thứ 5 với giá khởi điểm là hơn 104 tỷ đồng. Giá trị các khoản lợi thu được từ khai thác quyền sử dụng đất tại thửa đất số 1982...; Tài sản trên đất tại trang trại lợn; Thiết bị, máy móc chăn nuôi trang trại lợn; Ðàn lợn giống tại trang trại lợn tại thôn Hồng Quang, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình và Máy ép phân heo, máy khuấy chìm, máy bơm cấp bã, máy bẻ mảnh theo các hợp đồng thế chấp tài sản đã ký giữa BIDV Nam Hà Nội và Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Trung Ương.
Kể từ đầu tháng 10 đến nay, TPBank liên tiếp giao bán ô tô cũ để xử lý nợ xấu. Hiện ngân hàng này đang rao bán 1 chiếc CHEVROLET AVEO với giá khởi điểm 261 triệu đồng, 4 xe Ford với mức giá khởi điểm từ 350 đến 530 triệu đồng, 1 xe CHEVROLET có giá khởi điểm 220 triệu đồng, 1 xe Huundai với giá khởi điểm 628 triệu đồng...
Sacombank tích cực xử lý nợ xấu là bất động sản. Đáng chú ý là khu đất có tổng diện tích hơn 12,6 nghìn m2 tại phường 6, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh có giá 711 tỷ đồng.
Thửa đất diện tích gần 53 nghìn m2 tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh được rao bán với giá khoảng 397,5 tỷ đồng.
Tại khu vực Tây Hồ, Sacombank đang rao bán căn nhà 2 tầng có diện tích 100 m2, mặt tiền 6m, cách hồ Tây 1 km với giá khởi điểm 8,5 tỷ đồng (có thương lượng).
Đấu giá khoản nợ, thanh lý tài sản đảm bảo tuy là nghiệp vụ bình thường của ngân hàng nhưng lại đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi nguy cơ nợ quá hạn ngày một tăng cao do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Đánh giá về tình hình nợ xấu, chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên Cứu BIDV cho biết hiện tại nợ xấu tại các tổ chức tín dụng vẫn được kiểm soát (ở mức khoảng 2%) nhờ việc NHNN cho phép giãn, hoãn nợ mà không chuyển nhóm nợ để có thể cho vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, song việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới phụ thuộc rất lớn vào đà phục hồi của nền kinh tế và nỗ lực của từng tổ chức tín dụng. Dự báo nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng có thể tăng đến 3% cuối năm 2020 và 3,5-4% năm 2021.