Sau khi Nghị quyết 42 của Chính phủ được Quốc hội thông qua việc kéo dài thời gian xử lý nợ xấu, câu chuyện tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tranh chấp pháp lý hợp đồng tín dụng tại tòa đang được ngành ngân hàng quan tâm.
Đại diện một ngân hàng cho biết, ngân hàng gặp nhiều khó khăn, chậm trễ trong quá trình thụ lý vụ án. Hồ sơ khởi kiện ngân hàng đã chuẩn bị đầy đủ theo quy định pháp luật nhưng tòa án vẫn yêu cầu ngân hàng cung cấp giấy xác nhận địa chỉ mới nhất của bị đơn trong khi nhiều nơi chính quyền địa phương cho rằng, đây không phải trách nhiệm của họ. Nhiều trường hợp khách hàng sử dụng thủ tục phá sản để kéo dài quá trình giải quyết tranh chấp, né tránh nghĩa vụ trả nợ, gây khó khăn cản trở cho việc xử lý các vụ án.
Đại diện một ngân hàng khác cho rằng, thủ tục thẩm định tại chỗ yêu cầu phải mời đương sự, biên bản phải có chữ ký của đương sự nhưng thực tế nhiều trường hợp đương sự không hợp tác, không tham gia, không ký. Có tài sản là động sản như ôtô, tàu biển… đương sự không chỉ chỗ thì không tìm được. Trong khi đó, vì lý do thủ tục thẩm định chưa hoàn thiện, tòa án chưa đưa ra xét xử được. Liên quan thủ tục phá sản, tòa án yêu cầu ngân hàng phải cung cấp báo cáo tài chính 3 năm gần nhất của bị đơn, cung cấp tài liệu về danh sách chủ nợ, khoản nợ… với những yêu cầu này, ngân hàng không thể làm được…
Từ góc độ toà án, ông Nguyễn Hữu Chính - Chánh án Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội - thừa nhận: “Trong quá trình giải quyết án tín dụng nổi lên một số vấn đề như sau: Thứ nhất, có sự khác biệt về quan điểm giữa Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội và ngân hàng. Thứ hai, thống kê lượng án tín dụng không thể xử ngày càng tăng. Thứ ba, việc giải quyết các vụ án của tòa án đối với các vụ án tín dụng có phần chậm, chưa kịp thời với các vụ việc khiếu kiện, có những vụ tồn hàng năm”.
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng - cho biết, qua tập hợp các vướng mắc liên quan giải quyết các tranh chấp dân sự từ các ngân hàng cho thấy, có 3 nhóm vướng mắc đang tồn tại, bao gồm:Nnhóm vướng mắc cần thống nhất nhận thức và áp dụng quy định pháp luật trong thực tiễn xét xử; nhóm vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính tố tụng; nhóm vướng mắc xác định trách nhiệm dân sự trong các vụ án hình sự.
Khi ngân hàng nhận tài sản thế chấp là quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất, các tổ chức tín dụng (TCTD) căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp được cơ quan có thẩm quyền cấp để xác định chủ sở hữu tài sản và thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Thành Long cho rằng, các TCTD không thể biết, không có điều kiện để biết và cũng không thể lường trước được việc sẽ phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản giữa Bên bảo đảm và Chủ sở hữu cũ. Không có quy định nào của pháp luật quy định TCTD phải có trách nhiệm thẩm tra các giao dịch chuyển giao trước khi tài sản được cơ quan Nhà nước cấp giấy chứng nhận; cũng như quy định TCTD có chức năng, thẩm quyền để thẩm tra nguồn gốc hình thành tài sản theo giấy chứng nhận đó.
Do đó, ông Nguyễn Thành Long đề nghị tòa án áp dụng thống nhất quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong các tình huống cụ thể: Giao dịch chuyển nhượng nhà đất trên cơ sở ủy quyền/đại diện; mở rộng áp dụng đối với các loại tài sản khác mà giao dịch chuyển nhượng đã tuân thủ quy định về chuyển nhượng đối với loại tài sản đó, trường hợp bên chuyển nhượng thực hiện giao dịch chuyển nhượng tài sản do bị lừa dối, ép buộc, nhầm lẫn.
Đồng thời, đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao xem xét về việc nâng các nội dung hướng dẫn trong Công văn số 64 để ban hành thành Nghị quyết; có đính chính/hủy bỏ tình huống về xác định “người thứ ba ngay tình” tại Văn bản số 02.