Hầu hết các tổ chức quốc tế đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam dường như đang đi ngược xu thế khi vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao trong quý 2. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?
-Xung đột giữa Nga và Ukraina trong thời gian qua đã làm gián đoạn nguồn cung lương thực và nhiên liệu toàn cầu gây ra nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực toàn cầu và làm cho giá cả trên thế giới gia tăng. Trước tình hình này, hầu hết các tổ chức quốc tế đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu so với dự báo trước đó: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo ở mức 3,6%, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo sẽ chậm lại và chỉ đạt mức 3%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm.
Liên Hợp Quốc dự báo chỉ tăng trưởng 3,1%, điều chỉnh giảm 0,9 điểm phần trăm.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7.6.2022 đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 4,1% xuống còn 2,9%. Ở các nước khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương dự báo tăng trưởng GDP giảm xuống 4,4%. Tuy nhiên, riêng Việt Nam thì WB lại dự báo nâng mức tăng trưởng GDP từ mức 5,5% vào đầu tháng 1.2022 lên 5,8% vào tháng 6.2022.
Với những chỉ báo kinh tế tăng trưởng tốt hằng tháng như chỉ số IIP, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; số lượng doanh nghiệp thành lập mới quay trở lại hoạt động, hoạt động xuất nhập khẩu, tình hình đầu tư trong nước và nước ngoài…
Năm 2021, Việt Nam bị ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID, tăng trưởng quý III âm hơn 6%; cả năm hầu hết các ngành dịch vụ thị trường có tăng trưởng âm. Sang năm 2022, thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất; các hoạt động trong đời sống xã hội trở lại bình thường, hoạt động du lịch trong nước và quốc tế đã nhộn nhịp trở lại (đặc biệt trong quý II) đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường. Xung đột giữa Nga - Ukraina và chính sách "Zero COVID” của Trung Quốc hiện nay tiếp tục là gọng kìm siết chặt nền kinh tế thế giới, khiến kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022.
Tại nhiều nước trên thế giới, lạm phát, giá đầu vào của sản xuất tiếp tục tăng do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraina. Theo bà, những động thái từ bên ngoài tác động tiêu cực thế nào đến sự phục hồi kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022?
-Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu nhiều tác động bất lợi từ bên ngoài, ảnh hưởng tới sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2022.
Cụ thể: Thứ nhất, xung đột Nga và Ukraina vẫn diễn biến phức tạp khiến giá xăng dầu thế giới và trong nước leo thang, gia tăng chi phí sản xuất, nguồn cung bị gián đoạn, lạm phát tăng cao, sức cầu quốc tế yếu; việc ban hành tiêu chuẩn quy định mới liên quan đến nguyên liệu, lao động, môi trường cho các sản phẩm nhập khẩu của các nước đối tác sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ hai, sức ép về giá cả, lạm phát thế giới sẽ là áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% năm 2022, đặc biệt vào cuối năm kéo theo những bất ổn vĩ mô, tỷ giá, thị trường ngoại tệ; từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phục hồi kinh tế.
Thứ ba, dịch bệnh COVID-19 với các biến thể mới có thể diễn biến phức tạp cũng là mối nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam cũng như các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Thứ tư, chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc khiến làm chậm lại các hoạt động kinh tế và có thể gây ra những tắc nghẽn mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ năm, xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu đang gia tăng, lãi suất USD tăng cũng là nhân tố ảnh hưởng tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế, đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục chính sách "Zero COVID" với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng, qua đó tác động tới kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm.
Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất, cần những giải pháp nào?
- Cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, cần có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá xăng dầu, vì đây là nguyên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất;
Đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không bị đứt gãy, gián đoạn;
Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu;
Tiếp tục vận động người lao động quay lại làm việc góp phần vào quá trình phục hồi của kinh tế. Chính quyền các địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp về xây dựng chỗ ở cho người lao động khi họ quay lại làm việc.
Có các chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn, hỗ trợ DN tiếp cận gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất 2% của nhà nước;
Đặc biệt, cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế” theo Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính phủ kịp thời và hiệu quả.
- Xin cảm ơn bà!