Bán vàng không hóa đơn không dễ
Anh Phan Văn Đạt (sống ở quận Gò Vấp) cùng vợ đem bộ vòng nữ trang và 1 chiếc nhẫn trơn đi bán tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp nhưng do là vàng được tặng trong ngày cưới nên không có hóa đơn. Sau khi biết vàng không có hóa đơn, chủ cửa hàng liền ép giá và yêu cầu anh Đạt phải ký giấy để lại thông tin cá nhân, chứng minh nguồn gốc số vàng mua vào.
Trong khi đó, chị Lê Ngọc Quý (sống tại TP Thủ Đức) lại phải đi 2-3 nơi mới bán được vàng nữ trang vì là hàng nhái thương hiệu và không còn hóa đơn. “Hồi xưa, tôi mua vì mẫu mã đẹp và không có ý định tích trữ nên không giữ hóa đơn. Nay có việc cần đến tiền nên đem đi bán thì một số chủ tiệm vàng không thu vào. Tiệm mua vào thì giá cũng không cao, họ có nhắc nhở tôi mua bán vàng cần tìm hiểu kỹ và phải giữ lại hóa đơn để tiện cho sau này” - chị Quý cho biết.
Khảo sát của PV cho thấy, đa phần các cửa hàng kinh doanh vàng tại TPHCM đều chấp hành quy định việc mua bán vàng, nữ trang phải có hóa đơn, chứng từ đầy đủ, xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, yêu cầu khách mang theo CCCD khi đến mua bán vàng. “Khách khi đến mua hàng sẽ được chúng tôi xuất hóa đơn điện tử. Ngược lại, khi khách đến bán vàng chúng tôi cũng yêu cầu khách đưa hóa đơn và CCCD để kiểm tra thông tin. Tuy nhiên một số khách hàng vẫn còn phản ứng vì chưa hiểu quy định này nên cũng còn nhiều khó khăn” - chị Khánh Huyền - chủ một tiệm vàng ở Quận 3 cho biết.
Siết chặt việc mua bán vàng có hóa đơn
Theo ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TPHCM, quy định hiện nay, những sản phẩm không có nguồn gốc, cơ quan chức năng sẽ tạm thu giữ và xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, khó khăn của một số doanh nghiệp hiện nay chủ yếu liên quan đến chứng từ về nguồn gốc, xuất xứ vàng vì trước đây khi giao dịch thì không nhận hóa đơn nên không chứng minh được nguồn gốc của sản phẩm nữ trang vàng.
Trước đó vào tháng 3, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Tài chính, Công Thương... tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, thời gian qua đơn vị đã kiểm tra 196 vụ vi phạm, tạm giữ 1.657 đơn vị sản phẩm vàng trang sức không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu với tổng giá trị hơn 14,2 tỉ đồng.
Ngoài ra, Cục Quản lý Thị trường TPHCM cũng phối hợp với Tổng cục Quản lý Thị trường theo dõi việc bán vàng trên các tài khoản mạng xã hội; Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương, đặc biệt là phối hợp với lực lượng Công an, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM; Thực hiện nghiêm biện pháp nghiệp vụ giám sát chặt chẽ các đối tượng có liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng thuộc đối tượng của các hoạt động giám sát theo quy định. Qua đó, kịp thời phát hiện, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của Cục Quản lý thị trường, nhất là các hành vi buôn lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả mạo nhãn hiệu.