Mạnh... không thể phủ nhận!
Duyên hải Miền Trung từ Quảng Bình tới Bình Thuận nằm dọc theo bờ biển dài hơn 1500 km, có tổng diện tích tự nhiên hơn 60 nghìn km2; với hơn 10 triệu dân đang sinh sống. Trong 20 năm qua, cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước, các địa phương đã huy động các nguồn vốn cũng đã xây dựng được một số hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH...Đặc biệt hầu như tỉnh nào cũng có sân bay, có cảng nước sâu... góp phần phá vỡ thế độc đạo. Theo đó, một chuỗi đô thị trẻ đã hình thành, trải dọc theo bờ biển, tạo diện mạo mới cho cả khu vực.
Với Quảng Nam, trong 5 năm trở lại đây nhờ có nền tảng được xây dựng trước đó nên kinh tế đã phát triển vượt bậc với các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển; nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt hải sản... Nhất là từ khi Khu kinh tế Chu Lai-Kỳ Hà với Cụm công nghiệp ô tô Trường Hải, cùng với các Khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc... đẩy tổng sản phẩm xã hội của địa phương lên xấp xỉ với cả thành phố Đà Nẵng trong vài năm qua.

Mạnh nhất là "Mạnh ai nấy làm"
Tuy vậy bức tranh toàn cảnh kinh tế Miền Trung vẫn lốm đốm màu. Trong Diễn đàn kinh tế Miền Trung (9.2017), tổ chức tại Đà Nẵng, Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, nhận định rằng: "Đã mười năm tổ chức diễn đàn kinh tế Miền Trung, để bàn thảo nhằm tìm giải pháp phát triển bền vững, nhưng vì sao vẫn chưa thực sự hiệu quả? Câu hỏi đó vẫn thường trực và đau đầu với bất cứ ai quan tâm đến kinh tế miền Trung và người dân miền Trung" - GS. Cát nói.
PGS.TS. Trần Đình Thiên phân tích: Miền Trung có thế mạnh tự nhiên. Tuy vậy, để phát triển kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế, nếu chỉ dựa vào thế mạnh tự nhiên thôi thì không thể đủ. Thậm chí, nếu không biết cách khai thác thì thế mạnh đó có thể trở thành yếu tố kìm hãm. Đó là tình trạng của kinh tế miền Trung, mà rõ nhất là việc khai thác thế mạnh cảng biển. Hầu như tỉnh nào cũng có lợi thế tự nhiên để làm cảng biển, và kết quả là toàn vùng có đến 12 cảng biển, nhưng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu vẫn nằm ở các cảng của miền Bắc và miền Nam.

Tây Nguyên - cô gái đẹp ngủ quên
Tháng 3.2017, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017. Tại Hội nghị, Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao cam kết tín dụng đầu tư của các ngân hàng cho các dự án đầu tư với tổng vốn trên 29.000 tỷ đồng; trao chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, thỏa thuận đầu tư cho các dự án với tổng vốn khoảng 80.000 tỷ đồng. Có thể nói rằng chưa bao giờ Tây Nguyên lại nhận được cam kết đầu tư lớn như thế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng, nhưng không quên nhắc nhở: Tây Nguyên không chỉ là phên dậu của Tổ quốc, mà là điểm tựa phát triển của miền Trung, Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ. Tây Nguyên có tiềm năng, thế mạnh, nhưng chưa được khai thác tốt. "Có thể nói, đến nay, Tây Nguyên của chúng ta vẫn như một cô gái đẹp, không những ngủ quên mà còn chưa chuyển mình kịp với đất nước và thời đại", Thủ tướng ví von. Thủ tướng nêu tầm nhìn, kỳ vọng đối với Tây Nguyên. Đó là Tây Nguyên phải phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới.
Tây Nguyên có gần 2 triệu ha đất bazan màu mỡ, tương đương 60% đất bazan cả nước, phù hợp với cây công nghiệp như cà phê, cacao, hồ tiêu, trà, mắc ca... Các mặt hàng này tuy đạt sản lượng lớn, nhiều mặt hàng xuất khẩu lớn nhất nhì thế giới nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô, giá trị gia tăng thấp và chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới. Năm 2017, Tổng giá trị sản phẩm của các tỉnh Tây Nguyên đạt trên hơn 165,4 ngàn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của các tỉnh Tây Nguyên đạt trên 41,6 triệu đồng, tăng 5,02% so với năm 2016. Hiện Tây Nguyên là vùng trọng điểm sản xuất cà phê, hồ tiêu của cả nước; trong đó, diện tích cà phê 582.149 ha, sản lượng đạt trên 1,370 triệu tấn cà phê nhân, cây hồ tiêu có tổng diện tích trên 71.000 ha, sản lượng đạt trên 120.877 tấn tiêu hạt...

Trong cuộc họp cuối năm 2017 của khu vực, theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tăng trưởng kinh tế của vùng Tây Nguyên vẫn còn thấp so với tiềm năng, lợi thế vốn có, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa tạo được gắn kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất, giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm, giá cả một số mặt hàng chủ lực không ổn định, giảm mạnh, đã tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp... Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh vùng Tây Nguyên tập trung rà soát quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện hiệu quả các đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới...
Không một ai có thể phủ nhận rằng, khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, ngoài ý nghĩa về an ninh quốc phòng, thì tiềm năng để phát triển kinh tế rất mạnh so với hai đầu. Tuy vậy hàng chục năm qua, khu vực này vẫn là một trong những vùng còn nghèo nhất nước. Xuân thu nhị kỳ cứ đến mùa bão lũ đều phải nhờ Trung ương hỗ trợ. Các hội nghị, hội thảo bàn về KT-XH gần đây ở MT-TN từ Chính phủ đến lãnh đạo các địa phương đều trăn trở vì sự mâu thuẫn giữa tiềm năng tự nhiên, con người với thực trạng kém phát triển nền kinh tế. Nguyên nhân đã được chỉ ra rất rõ và hướng khắc phục cũng đã được Chính phủ định hình. Vậy bao giờ Miền Trung- Tây Nguyên thực sự trở thành vùng kinh tế trọng điểm như mong muốn chung? Điều đó phụ thuộc vào vai trò lãnh đạo từng địa phương có quyết tâm mở những hành lang thông thoáng để người dân, doanh nghiệp liên vùng chung tay cùng phát triển quê hương.